Thủ tướng và Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Khó khăn bủa vây cộng đồng doanh nghiệp
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Làm ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, từ cung đến cầu, sản xuất đến tiêu dùng. Gần hai năm dịch xuất hiện, 4 lần bùng dịch cũng là ngần ấy lần bản thân các doanh nghiệp Việt điêu đứng theo.
Các hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hoá, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch, bị ảnh hưởng rõ rệt.
Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Theo số liệu được cập nhật, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh gian khó, Việt Nam vẫn có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, đối phó tốt với khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Song, dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trở thành một đối tác của Chính phủ, trong quá trình chuyển đổi, phát triển cho tương lai.
Có thể nói, sự thắng thua, thành bại của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân được quyết định không chỉ bởi các quyết sách, thể chế từ phía Nhà nước, mà còn bởi suy nghĩ, hành động, ý thức trách nhiệm, tinh thần kỷ luật của cán bộ, công chức ở mọi nơi, mọi cấp và của chính các doanh nghiệp.
Với vai trò là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày càng thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động cũng như tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 thời gian qua.
VCCI đã rất lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp khi đề xuất mở Hội nghị trực tuyến “Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19”.
Và ngay khi nhận được đề xuất của VCCI, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chấp thuận tổ chức cuộc gặp bằng hình thức trực tuyến từ đầu cầu chính được đặt tại Văn phòng Chính phủ tới 63 tỉnh/thành trên cả nước để các doanh nghiệp có thể chia sẻ những khó khăn, đưa ra kiến nghị, đồng thời cùng Chính phủ và các lãnh đạo địa phương đưa ra những giải pháp thiết thực nhất để đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19.
Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ được tổ chức vào sáng ngày 26/9. Thủ tướng Chính phủ giao VCCI chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tổ chức Hội nghị.
Hội nghị sẽ triển khai một số nội dung cơ bản đó là: Báo cáo về tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, các khó khăn, vướng mắc và các đề xuất giải pháp, kiến nghị đột phá; Báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.
Thực tế, trước khi Hội nghị diễn ra, Chính phủ rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, “mở cửa” cho cộng đồng doanh nghiệp. Quyết tâm chuyển sang trạng thái sống chung với dịch, thích ứng an toàn với dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài, chứ không “ngăn sông cấm chợ”.
Rất nhiều động thái của Chính phủ, Thủ tướng được dư luận, cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh như: Thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; Ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đặc biệt, trong nghị quyết 105 vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thêm một bước: “Ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm” ngay trong tháng 9.
Yêu cầu này đáp ứng mong mỏi của rất nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân. Trong thực tế, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã được cấp phép cung cấp dịch vụ xét nghiệm gần đây sau bao nhiêu hạn chế tưởng không gỡ bỏ được.
Hoặc, Thủ tướng cũng có buổi làm việc với các doanh nghiệp châu Âu, Đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tại đây Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép. Những gì đã làm được phải làm tốt hơn, khi chưa có giải pháp căn cơ thì chọn giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể.
Đáng chú ý, trong cuộc gặp trực tuyến với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương vào ngày 8/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra “phát lệnh đầu tiên”, chỉ đạo 10 Bộ trưởng liên quan ưu tiên nguồn lực để rà soát, điều chỉnh ngay 29 Luật đang gây ảnh hưởng tới đầu tư, kinh doanh…v..v.
Từ những hoạt động mang tính kết nối này của Thủ tướng và Chính phủ, cho thấy, chúng ta đang có một Chính phủ đã, đang thấu hiểu, lắng nghe và nhanh chóng ban hành hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua khủng hoảng.
Song song cũng thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn… để làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.
Đúng vậy, khi đặt doanh nhân, doanh nghiệp ở vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của quốc gia, không ngày nào Chính phủ, Thủ tướng không sốt ruột, và không chỉ trăn trở, sốt ruột mà còn đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp.
Dẫu vậy, khó khăn, thách thức ở thời điểm này đối với cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Nó khác với những khó khăn, điểm nghẽn trước đại dịch mà doanh nghiệp gặp phải. Và để cộng đồng doanh nghiệp trở lại quỹ đạo sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế thì sự lắng nghe, thấu hiểu của Chính phủ, Thủ tướng, cũng như các bộ ngành liên quan luôn luôn cần thiết
Điều này cũng có nghĩa, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng Hội nghị này sẽ giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, cản trở… mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Từ đó yên tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy sự hồi phục nền kinh tế một cách nhanh nhất.
Có thể bạn quan tâm
16:10, 24/09/2021
14:26, 25/09/2021
13:20, 25/09/2021
12:31, 25/09/2021
11:00, 25/09/2021
11:00, 25/09/2021
11:00, 25/09/2021
11:00, 25/09/2021
10:59, 25/09/2021
08:15, 25/09/2021
11:00, 24/09/2021
08:00, 24/09/2021
21:09, 23/09/2021
09:15, 23/09/2021
07:04, 23/09/2021
11:19, 21/09/2021
14:51, 19/09/2021
11:20, 18/09/2021
13:57, 25/09/2021
04:00, 19/09/2021
04:20, 16/09/2021
04:50, 15/09/2021
05:00, 14/09/2021
05:05, 11/09/2021