Kỳ vọng từ “lời hứa” của các Bộ trưởng

Trương Khắc Trà 03/11/2018 12:13

Nhiều đại biểu đánh giá cao về cách thức chất vấn tại kỳ họp thứ 6 khi Quốc hội giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ từ kỳ họp thứ 2 đến nay.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội chọn bất kỳ người nào, giám sát theo các nghị quyết.

Hầu hết những vấn đề liên quan mật thiết đến quốc kế dân sinh được hỏi và trả lời. Không thiếu những phút giây căng thẳng, cũng nhiều những tình huống hóm hỉnh như một cách chuyển tải nhẹ nhàng đến các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành.

Từ “điểm nóng” môi trường

Như thường lệ, bảo vệ môi trường luôn được nhắc đến như một câu chuyện dài tập chưa biết khi nào kết thúc. Từ làng nghề đến khu công nghiệp, từ cá nhân đến tổ chức, và bây giờ tình hình không gói gọn trong phạm vi lãnh thổ - 15.000 container rác nhập khẩu vô chủ! Một trong những tâm điểm là Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, xem và cảm nhận không còn kiểu trả lời vòng quanh lệch tâm câu hỏi, ngược lại với 3 phút ít ỏi Bộ trưởng Hà đã gói gém tình hình một cách cụ thể nhất, ít nhiều thấy được điểm nghẽn ở khâu nào. Điển hình như ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ TNMT hứa giải quyết trong vòng 5 năm (từ kỳ họp thứ 3) nhưng đến kỳ họp thứ 6 mới biết để khắc phục không chỉ mỗi nỗ lực của Bộ. Làm thế nào để “dưới” nhúc nhích phối hợp là vấn đề còn bỏ ngỏ!

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Quốc hội: Số lượng đại biểu chất vấn đạt kỷ lục

    17:44, 01/11/2018

  • Đại biểu Quốc hội nói gì về phiên chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành?

    08:45, 01/11/2018

  • Đại biểu Quốc hội nói gì về các phiên chất vấn và trả lời chất vấn?

    08:00, 30/10/2018

  • Những điểm mới trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XIV

    04:38, 30/10/2018

  • Chất vấn giúp các vấn đề bị “lãng quên” tiếp tục được xem xét giải quyết

    05:30, 29/10/2018

Tới “thân phận con người”

Lĩnh vực văn hóa của Bộ trưởng Bộ VHTT và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tạo ra sự thú vị trong ngày chất vấn đầu tiên, khi đại biểu Kiều Trinh (Nghệ An) đặt vấn đề xuống cấp đạo đức. Ông Thiện dẫn ra một quy luật của lý luận Mác - Lênin để giải đáp “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”, đó thật sự là câu trả lời có chất lượng về mặt lý luận.

Nhưng Bộ trưởng Thiện cũng cảm thấy “cô đơn” trên mặt trận chống suy thoái đạo đức - nguồn kinh phí ít ỏi. Thực tế đạo đức xã hội vốn mênh mông như tên gọi của nó trong khi “thôi các anh cứ làm đi, đó là việc của các anh” - ông Thiện nói thêm. Có thể đây là lần đầu tiên một tư lệnh ngành văn hóa vừa trả lời, vừa đề xuất giải pháp cứu vãn xuống cấp đạo đức gắn với “cái gốc kinh tế”. Đây được xem là cách nhìn nhận đúng bản chất vấn đề. Song, một lần nữa cho thấy sự bế tắc, không một cam kết cụ thể nào để xốc vác lại đạo đức luân lý trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) nói rằng “sau mỗi lá đơn là số phận một con người” để chất vấn người đứng đầu ngành Tư pháp, trong số 2.000 lá đơn yêu cầu giám đốc thẩm chỉ giải quyết được phân nửa, số còn lại vẫn tồn đọng. “Tôi cho rằng như vậy là chưa thoả đáng. Bởi vì chất lượng xét xử nước ta khác với nước ngoài”- ông Trí nhấn mạnh. Một lần nữa câu nói của Lênin được dẫn ra “Người thông minh không phải là người không mắc sai lầm, cái chính là biết sửa chữa được sai lầm”.

Vấn đề tinh giản biên chế. Với ngành Tư pháp, sau rất nhiều án tồn đọng chưa giải quyết, áp lực rất lớn lên đội ngũ nhân sự của ngành. Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình bày tỏ ý kiến cho phép không giảm 1.200 biên chế như chỉ tiêu.

Đến kỳ vọng về Tân  Bộ trưởng

Về vấn nạn sim rác, thông tin xấu trên không gian mạng, kỳ họp này, Quốc hội và cử tri chứng kiến màn ra mắt của tân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ Thông tin và Truyền thông), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương hóm hỉnh “tân Bộ trưởng có thể khuyến mại Quốc hội một câu trả lời để tiện việc giám sát sau này”.

Ông Hùng là Bộ trưởng mới, ông cũng mang đến Quốc hội một vài quan điểm hoàn toàn mới về nạn sim rác và thông tin xấu trên không gian mạng: “mạng xã hội không còn ảo mà là thật”, hay “người dân và chính quyền phải sống nhiều hơn trên mạng xã hội”, “cần phải sửa một số quy định của pháp luật”.

Cách đây chưa lâu Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa có nói rằng “cán bộ của ta đang quá sợ mạng xã hội, sợ facebook quá”. Thiết nghĩ đó cũng là một trong những lý do quan trọng không thể làm sạch thông tin trên không gian mạng.

Hơn ai hết, chính quyền phải cùng người dân, dư luận trải nghiệm, hiểu và có cái nhìn chuẩn xác hơn về nguồn gốc tin xấu, chứ không phải xử lý theo kiểu “bắt chữ đuổi hình”.

Nói như đại biểu Cương, “tân Bộ trưởng xuất thân từ một nhà mạng lớn”, nên người dân có thể hy vọng nạn sim rác và thông tin xấu “hết đường sống” dưới quyền điều hành của ông.

Trách nhiệm của lời hứa

Như thường lệ, chất vấn tại Quốc hội thường mặc định là câu hỏi đại biểu dành cho thành viên chính phủ, lãnh đạo tối cao các ngành. Nhưng kỳ họp thứ 6 ghi nhận một vài trường hợp ngoại lệ: Đại biểu tranh luận với đại biểu.

Sáng ngày 1/11 vấn đề sai phạm trong tỷ lệ tố tụng xét xử lại được tranh luận giữa đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu ngành công an. Trên tất cả, điều đó càng làm rõ thêm đúng - sai, phải - trái. Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: rất cần để làm rõ mọi vấn đề. Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bình luận: “Các bộ trưởng, họ có đủ trình độ, năng lực để trả lời các câu hỏi mà đại biểu đặt ra. Cử tri cũng muốn nghe Bộ trưởng trả lời chất vấn nên đề nghị tôn trọng quyền của đại biểu. Tranh luận rất tốt, nhưng tranh luận thì đề nghị không lên gân và quy chụp lẫn nhau”.

Phiên chất vấn sáng ngày 1/11 “nhận trách nhiệm về những yếu kém” trong thời gian “hỏi nhanh đáp gọn” đã mang lại nguồn sinh khí mới. Đó là sự cầu thị từ Bộ trưởng Xây dựng về vấn đề tro xỉ nhà máy nhiệt điện và Bộ trưởng GD&ĐT khi đại biểu chất vấn đề lãng phí sách giáo khoa. Tuy nhiên, bên hành lang Quốc hội PGS TS Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, “nhận trách nhiệm nhưng quan trọng hơn là lời hứa sẽ giải quyết đến đâu”, đồng thời cho rằng “cần thêm nhiều những vấn đề vĩ mô, toàn diện hơn được tranh luận”.

Nhưng phải khẳng định rằng đến giờ phút này, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã hoạt động đúng với nguyện vọng của cử tri, người chủ trì không phải nhắc lại câu nói quen thuộc “đề nghị Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng từ “lời hứa” của các Bộ trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO