Kyoei Steel Ltd, công ty thép đến từ Nhật Bản vừa thông báo đăng ký mua vào 33,2 triệu cổ phiếu CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) bắt đầu từ 10/5 tới.
Hiện tại, Kyoei đang sở hữu khoảng 14,8 triệu cổ phiếu VIS, tương ứng với 20%, nếu giao dịch thành công, Kyoei sẽ nắm giữ 65% cổ phần của VIS và trở thành công ty mẹ của công ty này.
Liên quan vấn đề nới room ngoại, UBCKNN đã công bố hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VIS. Sau khi xem xét hồ sơ, UBCKNN thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 100% vốn điều lệ của công ty là đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến cơ cấu cổ đông của VIS, mới đây, ông Lê Thành Thực, một nhà đầu tư cá nhân, vừa thông báo đã bán 3,1 triệu cổ phiếu VIS của CTCP Thép Việt Ý trong tổng số hơn 3,69 triệu cổ phiếu đang sở hữu (tỷ lệ 5%). Sau giao dịch, ông Lê Thành Thực còn sở hữu chưa đến 600 ngàn cổ phiếu VIS. Đồng thời, CTCP Thương mại Thái Hưng cũng báo cáo đã mua đủ hơn 2,33 triệu cổ phiếu VIS để nâng lượng sở hữu tại doanh nghiệp này lên 65% sau nhiều lần mua gom.
Như vậy, hiện tại Kyoei và Thái Hưng đang nắm giữ đến 85% cổ phần của VIS. Nếu Kyoei muốn mua vào để nâng mức sở hữu lên 65%, chắc chắn phải có thỏa thuận mua lại cổ phiếu VIS từ Thái Hưng.
Được biết, CTCP Thương Mại Thái Hưng đã thông báo đăng ký bán ra 33,2 triệu cổ phiếu VIS (đúng bằng lượng mua vào của Kyoei) từ ngày 10/5 đến 6/6 thông qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh qua sàn.
BCTC quý 1/2018 của VIS với kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.348 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, do có tới 41 tỷ đồng hàng bán bị trả lại nên doanh thu thuần trong kỳ chỉ còn đạt hơn 1.300 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm hơn 10% nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 32,25 tỷ đồng, chưa bằng một nửa mức lãi gộp mà công ty đạt được trong quý 1/2017.
Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm được VIS đưa ra là do trong kỳ thị trường thép trong nước xuất hiện nhiều yếu tố bất thường trái với quy luật hàng năm. Sản lượng bán ra của hầu hết các nhà máy thép trong nước đều rất chậm. Sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tiếp tục tăng, nối tiếp chu kỳ tăng giá từ cuối năm 2017 làm cho giá thành sản phẩm tăng cao trong khi giá thép đầu ra không có xu hướng tăng do nhu cầu thị trường thấp.
Năm 2018 Thép Việt Ý đặt mục tiêu đạt 7.093 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với doanh thu thực hiện được trong năm 2017; lợi nhuận trước thuế ước đạt 90,4 tỷ đồng, tăng tới 64% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Hiện nay cổ phiếu VIS trên thị trường đang giao dịch tại mức giá 34.400 đồng/cp, tương ứng với mức tăng 68% 1 năm qua.
Quy mô ngành thép Việt Nam đang được đánh đứng đầu trong các nước Đông Nam Á, bởi theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước hiện vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Trong đó, mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán đạt 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu là 5 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện ngành thép mới chỉ hoạt đông khoảng 50-60% công suất.
Dù mới hoạt động 50-60% công suất, nhưng theo VSA, so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước, nguồn cung đã vượt xa cầu. Ngoài ra, nếu so sánh giá với sản phẩm đến từ Trung Quốc, thì giá thép của Việt Nam vẫn cao hơn. Do đó, ngành thép trong nước đang đối mặt với không ít khó khăn.
Bên cạnh sức ép về giá cả, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước còn phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành. Với cách thức làm giả ngày càng tinh vi, khả năng giống với hàng chính hãng lên đến 90%, người mua hàng khó có thể phát hiện đâu là thật, đâu là giả.
Theo VSA, để nâng cao tính cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, phương thức quản lý nhằm tăng năng suất, hạ giá thành. Hiện nay, trình độ công nghệ của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế nên giá thành, chất lượng sản phẩm chưa thực sự cạnh tranh, hiệu suất sử dụng chưa đạt yêu cầu.
“Để giải quyết tận gốc những bất cập của thị trường thép Việt Nam, các doanh nghiệp phải xuất phát từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, đại diện VSA nhấn mạnh.
Về triển vọng tăng trưởng thị trường thép Việt Nam giai đoạn 2018-2020, theo SSI Research dự báo sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam ước tính duy trì tăng trưởng 10%/năm nhờ ngành bất động sản và hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng. SSI Research cũng đã đưa ra các rủi ro mà ngành thép có thể gặp phải trong 2018.
Biến động của giá thép thế giới có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các công ty thép. Giá thép ở Việt Nam thường có xu hướng biến động cùng với giá thế giới. Ngoài ra, do các công ty trong nước nhập khẩu hầu hết nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc, phế liệu, hay thép cán nóng từ nước ngoài, nên biến động mạnh giá thép thế giới và nguyên liệu thô có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất thép Việt Nam trong ngắn hạn, đặc biệt là trong những giai đoạn giá đầu ra chưa theo kịp đà tăng giá đầu vào.