Lai Châu: Sức hút “ven trời Tây bắc”

NGUYỄN HÀ 17/10/2020 15:22

Lai Châu luôn được ví như một thiếu nữ đẹp say lòng người, dù vậy, ngành du lịch của địa phương vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

 Trang phục đặc trưng của của đồng bào dân tộc tại Lai Châu.

Trang phục đặc trưng của của đồng bào dân tộc tại Lai Châu

Đến với Lai Châu thỏa sức khám phá những cung đường uốn lượn, những cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, những bản sắc văn hóa độc đáo, những sơn nữ e ấp, duyên dáng trong trang phục lung linh hàng cúc bướm, những chàng trai uyển chuyển trong điệu khèn đắm say.

Lai Châu còn có vẻ cuốn hút lạ thường đối với khách du lịch, bởi nơi đây sẽ giúp bạn sẽ được khám phá vùng đất những hang động tuyệt đẹp, những ngọn đèo hiểm trở, những thác nước ẩn mình trong rừng và những điệu xoè Phong Thổ…

Điểm đến hấp dẫn

Mảnh đất ấy ở ven trời Tây Bắc, nơi hội tụ 20 dân tộc với đời sống văn hoá truyền thống hết sức phong phú như trang phục, nếp sống văn hóa - văn nghệ dân gian, phong tục tập quán... Bởi thế, Lai Châu không chỉ thu hút khách bởi thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp mà còn níu chân du khách bởi những bản sắc văn hóa riêng qua những lễ hội truyền thống như: Then Kin Pang, Kim Lẩu Khẩu Mẩu, Nàng Han khu vực Mường So - Phong Thổ và Đền thờ Vua Lê Thái Tổ huyện Nậm Nhùn…và những phiên chợ vùng cao như: chợ đêm San Thàng, chợ Dào San, chợ Sìn Hồ… với những món ăn mang đặc trưng riêng “một lần thử 10 lần say” như phở nhắng, thịt lợn treo gác bếp với cách chế biến thức ăn độc đáo của đồng bào Mông; Thịt trâu sấy với vị ngọt của thịt trâu, vị cay cay mắc khén, gừng, muối, rượu, ớt, thảo quả; hay món nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái…

 Khai mạc Chợ đêm San Thàng, điểm nhấn giao lưu văn hóa các dân tộc và hút du khách

Khai mạc Chợ đêm San Thàng, điểm nhấn giao lưu văn hóa các dân tộc và hút du khách

Không chỉ có thế, nhắc đến Lai Châu là nhắc đến quần thể danh thắng động Pusamcap với những nhũ đá hóa thạch vàng óng muôn hình vạn trạng được kết tinh qua hàng triệu năm; khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng Mây với hệ thống thang máy lồng kính trong suốt cao 300m lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam; bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu Sin Suối Hồ với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, bản Sì Thâu Chải, Bản Thẳm, bản Lao Chải…

Lai Châu có địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp... chính là một trong những điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch.

Lai Châu luôn được ví như một thiếu nữ đẹp say lòng người, dù vậy, ngành du lịch của địa phương vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Hút đầu tư vào du lịch

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã và đang chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, liên kết, hợp tác trong phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch giữa địa phương với các tỉnh là xu thế phát triển tất yếu để đạt được mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh, hiện nay, tỉnh đang đề xuất 07 danh mục dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch năm 2020, cụ thể: Dự án đầu tư khu du lịch quần thể hang động Pu Sam Cáp (xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu) với quy mô diện tích khoảng 1.500 ha; Dự án khu du lịch thác Tác Tình gắn với chinh phục đỉnh Putaleng (thị trấn Tam Đường) với quy mô vùng dự án khoảng 500ha, Dự án khu du lịch Sin Suối Hồ gắn với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ) với quy mô vùng dự án khoảng 1.000 ha; Dự án khu du lịch cao nguyên Sìn Hồ (thị trấn Sìn Hồ và các xã lân cận) với diện tích khoảng 500 ha; Mô hình phát trển du lịch lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát; Nâng cấp, nạo vét hồ, xây dựng công viên hồ thị trấn Than Uyên với diện tích khoảng 19ha; Cải tạo, nâng cấp khu du lịch Động Tiên Sơn (xã Bình Lư, Tam Đường) với diện tích khoảng 22,5ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lai Châu: Sức hút “ven trời Tây bắc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO