Lala thất trận, các “chiến tướng” giao nhận đồ ăn còn lại thì "mèo nào cắn mỉu nào”?

Châu Huệ 07/01/2019 11:30

Lala đã chọn chiến thuật đối đầu trực tiếp với đối thủ mạnh và phải nhanh chóng rút lui. Thị trường tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của công ty như Now, GrabFood, Loship, Vietnammm…

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường giao đồ ăn (Ảnh: Internet)

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường giao đồ ăn (Ảnh: Internet)

Trận chiến “đốt tiền”

Ngay trước thềm năm mới 2019, thị trường đặt món trực tuyến đã chứng kiến một cái tên từ giã cuộc chiến là Lala. Ứng dụng này ngay từ khi mới bắt đầu (cuối năm 2017) đã ít nhiều gây được khó khăn cho những đối thủ như Now. Tuy nhiên, sau khi tung các chương trình khuyến mãi, thậm chí món ăn 0 đồng vài tháng trước, ứng dụng gọi món Lala bỗng không thể truy cập.

Theo ghi nhận, hiện ứng dụng Lala đã không còn hiển thị trên cả hai kho ứng dụng Google Play và App Store của hai hệ điều hành Android và iOS. Website Lala.vn không còn cho phép khách hàng đặt giao món. Trang facebook của thương hiệu này hiện cũng không thể tìm thấy.

Lala là ứng dụng đặt món trực tuyến do Ahamove phát triển và trực thuộc Scommerce, doanh nghiệp đồng thời sở hữu Giao hàng nhanh, hãng vận chuyển đứng thứ 2 trong thị trường giao nhận thương mại điện tử hiện nay. Tính đến thời điểm dừng hoạt động, Lala đã vận hành trong khoảng 1 năm.

Đại diện Lala cho biết hiện doanh nghiệp đang tập trung vào việc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang B2B, hướng đến khách hàng doanh nghiệp và không nói rõ lý do đằng sau việc từ bỏ thị trường giao nhận thức ăn.

Đánh giá của Euromonitor cho thấy, quy mô thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD năm 2018 và đến năm 2020 sẽ tăng lên 38 triệu USD. Những con số khổng lồ này là minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc Lala phải chấp nhận rời cuộc chơi cũng chứng tỏ “miếng bánh” thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam không hề dễ.

Trước đó, thị trường cũng chứng kiến sự ngậm ngùi rút lui của Foodpanda và  Uber Eats. Hiện thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam đang có sự tham gia của các “tay chơi” như Now của Foody, Loship của Lozi, Vietnammm, GrabFood của Grab và mới nhất là Go-Food của Go-Viet.

Lợi thế cạnh tranh thuộc về ai?

Mới chỉ hoạt động vài tháng nhưng GrabFood và cả Go-Food thực sự phả hơi nóng vào các đối thủ với liên tục những khuyến mãi khủng dành cho người dùng từ 50.000 – 100.000 đồng cho mỗi đơn hàng.

Kể từ khi gia nhập thị trường vào cuối tháng 11, Go-Viet liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng như giảm giá lên tới 50% hay miễn phí giao nhận trong phạm vi 5 km đầu tiên.

Trong khi đó, các ứng dụng như Now của Foody hay Lala trước đây cũng có nhiều ưu đãi giảm giá cho khách hàng nhưng số lượng không lớn như của Grab và Go-Viet.

Nếu như Vietnammm vốn được cho rằng chủ yếu tập trung khai thác thị trường ngách là expat (những người làm việc văn phòng đến từ nước ngoài) thì định vị của Loship khá rõ ràng thông qua câu tagline "Mua và ship trà sữa cho bạn".

Có thể thấy, các ứng dụng giao đồ ăn đều sử dụng chiến lược khuyến mãi để lôi kéo khách hàng, tương tự như cuộc chiến “đốt tiền” của các ứng dụng gọi xe hay thương mại điện tử. Tuy nhiên, không một doanh nghiệp nào có thể “đốt tiền” mãi được và không bao giờ là một chiến lược bền vững để cạnh tranh.

Theo báo cáo của GCOMM, tốc độ giao hàng nhanh chính là yếu tố quan trọng nhất để người dùng quyết định sử dụng dịch vụ gọi món trực tuyến. Là người đến sau cùng trên thị trường giao nhận đồ ăn hiện tại, nhưng Grab sở hữu công nghệ mạnh và kinh nghiệm triển khai thành công ở thị trường Indonesia và Thái Lan. Rõ ràng công nghệ mạnh là một chìa khóa quan trọng trong việc giữ chân khách hàng, phân phối dịch vụ hiệu quả và giảm thiểu thời gian cũng như sai sót do con người.

Sự tự tin về tốc độ giao hàng của Giám đốc Grab - một phần còn đến từ số lượng tài xế đông đảo của Grab. Theo con số 175 nghìn đối tác mà Grab đã công bố, trừ đi số tài xế 4 bánh thì số lượng tài xế 2 bánh của Grab vẫn rất cao. Số lượng tài xế áo xanh Grab phủ khắp nội đô có lẽ là lí do giúp hãng này tự tin khi nhắc đến lợi thế về tốc độ giao hàng của GrabFood.

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp giao đồ ăn cho biết để rút ngắn thời gian giao hàng và tối ưu hóa quy trình, ngoài việc phát triển đội ngũ tài xế, một yếu tố quan trọng khác là mạng lưới liên kết đối tác quán ăn.

Về cơ bản, các dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến như Now hay GrabFood thực hiện kết nối giữa 3 bộ phận: khách hàng, nhà hàng và shipper. Số lượng nhà hàng hiện diện trên hệ thống của Now hiện đang là đông đảo nhất và có sức nặng nhất với khoảng 20.000 nhà cung cấp, nhờ được xây dựng liên tục trong vài năm qua. Trong khi GrabFood vẫn chỉ là tân binh trong lĩnh vực này, mới bắt đầu quá trình kết nối với các nhà hàng, quán ăn. Các lựa chọn ẩm thực của khách hàng khi đặt món qua Now vì thế cũng phong phú hơn.

Cuộc đua ngày một khắc nghiệt khi các ngoại binh có tiềm lực mạnh “đốt tiền” để cạnh tranh. Nhưng trên tất cả của thương trường đầy khốc liệt ấy, người hưởng lợi sau cùng vẫn là người tiêu dùng Việt Nam khi trong tương lai họ sẽ được sở hữu những ứng dụng tiện lợi, đáp ứng mọi nhu cầu chỉ với một cú click chuột.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lala thất trận, các “chiến tướng” giao nhận đồ ăn còn lại thì "mèo nào cắn mỉu nào”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO