Làm chủ nguồn nguyên liệu để đi qua đại dịch

NGUYỄN VIỆT 02/02/2022 04:00

Kinh nghiệm từ đại dịch cho thấy, việc làm chủ nguyên liệu trong nước là chìa khoá để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

>>Triển vọng ngành dệt may năm 2022

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhấn mạnh và chia sẻ, hai năm gần đây, ngành dệt may chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.

làm chủ nguyên liệu trong nước là chìa khoá để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Làm chủ nguyên liệu trong nước là chìa khoá để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đặc biệt, khi các thị trường lớn trên thế giới bắt đầu có sự phục hồi tốt, các nước phát triển có độ phủ vaccine rộng, nhu cầu tiêu thụ dệt may tăng trưởng trở lại thì Việt Nam lại có đợt dịch bùng phát từ quý 2 đến quý 3. Dịch bệnh bùng phát ở phía Nam khiến doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất khiến ảnh hưởng đến tốc độ giao hàng, gia tăng chi phí khi tái sản xuất trở lại.

Làm tốt bài toán cung ứng

Với thị trường nội địa, dù tiêu thụ nội địa mới chiếm doanh thu nhỏ trong tổng doanh thu toàn ngành, song ngành dệt may đã và đang có sự điều chỉnh để thúc đẩy bán hàng qua các kênh trực tuyến và các sàn thương mại điện tử lớn. Đây là chiến lược giúp nâng cao doanh thu tiêu thụ trong nước, giảm phụ thuộc vào biến động thị trường bên ngoài.

“Kinh nghiệm từ sau đợt dịch vừa qua cho thấy, việc làm chủ nguyên liệu trong nước là chìa khoá để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Do đó, ngành dệt may đã có kế hoạch phát triển chuỗi sản xuất từ sợi, dệt nhuộm đến may, tiến tới là nhà cung cấp trọn gói đối với các khách hàng lớn”, ông Vương Đức Anh nói.

Còn theo bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn nỗ lực nối liền chuỗi cung ứng để cung cấp thực phẩm đầy đủ cho người dân.

“Thực tế, trong thời gian giãn cách xã hội căng thẳng ở các tỉnh thành phía Nam, Ba Huân là một trong những doanh nghiệp đã làm rất tốt bài toán cung ứng hàng hóa cho khu vực này, đặc biệt là mặt hàng trứng. Sản phẩm của Ba Huân đảm bảo chất lượng, song luôn được bán với giá thấp hơn giá thị trường”, bài Huân chia sẻ.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong những giai đoạn khó khăn nhất do dịch Covid-19 gây ra, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hoá để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã.

“Đặc biệt, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bền bỉ, liên tục trong hơn 11 năm qua là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ và làm tăng cường thêm các mối liên kết này”, bà Nga khẳng định.

Cụ thể, giải pháp đầu tiên được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai là tăng cường mối liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhau thông qua công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Đồng thời, mở rộng liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương.

Từ khi bắt đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Công Thương đã có hơn 60 văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung vào các vấn đề như đề nghị địa phương, doanh nghiệp tăng cường dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; Tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 và Xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất nhập khẩu, logistics và tăng cường quản lý thị trường.

Đẩy mạnh liên kết

Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành khác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch...) đã tổ chức các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng thông qua nhiều hình thức như trực tuyến, ứng dụng môi trường số hoặc trực tiếp nếu dịch bệnh được kiểm soát. 

ngành dệt may chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Ngành dệt may chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Đồng thời, Bộ theo dõi, đôn đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, những vướng mắc, khó khăn, đề xuất (nếu có) về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp theo các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong năm 2020-2021. 

Cũng nhằm đẩy mạnh mối liên kết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh thông qua tăng cường sử dụng sản phẩm của nhau, tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa.

Mặt khác, mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã cũng được duy trì, từ đó hỗ trợ người sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Các cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức chính trị, xã hội, như Hội Nông dân, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam… cũng tăng cường kết nối nhằm tìm ra tiếng nói chung với người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, sự liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và truyền thông đã được triển khai nhằm thông tin kịp thời, nhanh chóng các chương trình, định hướng của Đảng và Chính phủ trong quá trình phòng, chống dịch đến rộng rãi người dân.

Hướng tới phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP trong đó nhấn mạnh đến khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Để duy trì chuỗi sản xuất hàng Việt Nam bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 128 của Chính phủ, nhất là trong những tháng cuối năm, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài.

Bên cạnh đó, nhanh chóng tái tuyển dụng và đào tạo lao động, nhất là những ngành thâm dụng cao như da giày, điện tử, chế biến thực phẩm... do thời gian qua thiếu hụt, lao động chuyển dịch về quê; có chính sách linh hoạt về giờ làm thêm, kiến nghị giảm đóng phí công đoàn, trả thêm thù lao cho lao động làm việc tại chỗ, hỗ trợ giữ trẻ cho người lao động...

Có thể bạn quan tâm

  • Triển vọng ngành dệt may năm 2022

    04:00, 10/01/2022

  • Bất ngờ Vinatex lãi lớn, các doanh nghiệp dệt may khác ra sao?

    05:00, 26/12/2021

  • Doanh nghiệp dệt may và logistics “bắt tay” vượt khủng hoảng

    03:30, 17/12/2021

  • Tối ưu hoá chi phí logistics cho doanh nghiệp dệt may "cán đích"

    16:01, 16/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm chủ nguồn nguyên liệu để đi qua đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO