Một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đang được UBND tỉnh Lâm Đồng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ.
Ngày 9/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã ký văn bản số 31/BC-UBND gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện đầu tư, xây dựng Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.
>> Lâm Đồng xây dựng hệ sinh thái kinh doanh xanh
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương được xác định là Dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Về dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc: Tuyến cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã được Thủ tướng chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022. Tuyến đường có chiều dài khoảng 66km (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 55km) dự kiến tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng (trong đó, phần vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các Nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng). Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.
Hiện nay dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đã triển khai thực hiện được các bước quan trọng, như: Thực hiện công bố dự án, đăng tải thông tin về Quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định ngay sau khi được phê duyệt. Nhà đầu tư đề xuất dự án đã triển khai thực khảo sát địa hình, địa chất và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (đến nay công tác khảo sát cơ bản thực hiện xong), dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 3/2023.
Nhà đầu tư đề xuất dự án đã lựa chọn đơn vị tư vấn đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để triển khai lập hồ sơ ĐTM. Các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đã sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích đền bù, giải phóng mặt bằng và dự kiến quỹ đất tái định canh, tái định cư cho dự án.
>> Rà soát tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc tại Đồng Nai, Lâm Đồng
Về dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương: Tuyến cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết Số 151/NQ-HĐND ngày 09/12/2022.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 74 km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng (trong đó, phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các Nhà đầu tư: 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng). Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.
Về tiến độ thực hiện dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương tương tự như dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc do UBND tỉnh Lâm Đông theo dõi và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện đồng thời cả hai dự án.
Theo kế hoạch dự kiến thực hiện của Dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định các nhiệm vụ, mốc thời gian hoàn thành Dự án cụ thể với quyết tâm khởi công Dự án trong năm 2023. Lộ trình hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) trong quý 11/2023 và thực hiện công bố dự án ngay sau khi được phê duyệt.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhiệm vụ cần thiết để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (thực hiện đồng thời trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt BCNCKT); sau khi có quyết định phê duyệt BCNCKT sẽ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án. Thực hiện khảo sát sự quan tâm của Nhà đầu tư thực hiện dự án ngay sau Báo cáo cuối kỳ của bước lập BCNCKT, thực hiện trong tháng 4/2023. Thực hiện lựa chọn Nhà đầu tư; chuẩn bị các điều kiện để có thể khởi công dự án trong tháng 9/2023.
Theo Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc quy định “Dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính của dự án. Phân doanh thu tăng sẽ được tính toán ở bước tiếp theo theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật PPP và được cụ thể của Hợp đồng dự án”.
Việc quy định “không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm” nêu trên sẽ khó thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án; bên cạnh đó các Nhà đầu tư sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn và vay vốn từ các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng để triển khai thực hiện dự án.
Còn theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; tuy nhiên, đối với các dự án giao thông (công trình theo tuyến) thì trong triển khai các bước tiếp theo (như: phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công) sẽ có một số điều chỉnh cục bộ để phù hợp với địa hình, địa chất và hiện trạng thực tế nên việc quy định chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối với dự án đường giao thông là chưa phù hợp.
Cụ thể, đối với dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022, nhưng hiện nay qua kiểm tra, khảo sát thực địa, hướng tuyến ở bước nghiên cứu khả thi có điều chỉnh cục bộ một số vị trí (như: dự án trường Đua ngựa, Cụm công nghiệp Đạ Huoai, nghĩa trang Địa Tạng Vương, thiên viện Bát Nhã, những vị trí tránh địa hình đồi núi...) để giảm độ dốc dọc và đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.
Việc điều chỉnh này có làm thay đổi vị trí nhưng diện tích rừng giảm 35,65ha (giảm 29ha rừng tự nhiên và 6,65ha rừng trồng) so với phê duyệt. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại văn bản số 97/TCLN -KL ngày 16/1/2023)vẫn phải thực hiện lại trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Việc quy định, hướng dẫn như trên sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Trước các khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo quy định tại Điều 82, Luật PPP để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn huy động khác (khoảng 9.095 tỷ đồng) từ các Nhà đầu tư quan tâm hoặc các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng nhằm phát huy hiệu quả, tính khả thi dự án. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với các dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương do địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện Dự án đường bộ cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP với số vốn 2.500 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 (như nội dung UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị tại Tờ trình số 375/TTr-UBND ngày 12/02/2023).
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với một số gói thầu Tư vấn thuộc Dự án như: thẩm tra hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường; tư vấn thăm dò khoáng sản để cấp phép khai thác các mỏ vật liệu...
Đề nghị Chính phủ ủy quyền hoặc phân cấp thẩm quyền thuộc phạm vi quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho HĐND cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận đối với diện tích rừng đặc dụng (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) dưới 50 ha và rừng sản xuất (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) từ 50ha đến dưới 1.000 ha theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017 vào trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 và số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Đối với những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện có điều chỉnh cục bộ vị trí, hướng tuyến nhưng không làm tăng diện tích rừng đã được chấp thuận thì giao địa phương chịu trách nhiệm điều chỉnh cho phù hợp với phạm vi thực hiện Dự án.
Hiện nay, hầu hết thời gian thu hồi vốn đối với các dự án cao tốc đều có thời gian trên 20 năm trong khi thời hạn cho vay của các ngân hàng và Tổ chức tín dụng chỉ 15 năm, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn này cho các Nhà đầu tư trong việc huy động nguồn vốn vay từ các ngân hàng và Tổ chức tín dụng để thực hiện dự án đường cao tốc theo hình thức PPP.
Có thể bạn quan tâm