Với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng, đây được xác định là ngành phát triển quan trọng của tỉnh Lâm Đồng trong những năm tới.
Du lịch Lâm Đồng đã và đang không ngừng cải thiện về mức độ hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Thời gian qua, cùng với việc quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng điểm đến và đa dạng các loại hình du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách, Lâm Đồng cũng từng bước đổi mới công tác quản lý gắn với tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo gắn với việc định hình các chủ trương, chính sách mới để đưa du lịch Lâm Đồng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn. Đặc biệt, Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, du lịch Lâm Đồng được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững. Đồng thời, không gian du lịch của tỉnh cũng được mở rộng theo các quy hoạch đã được phê duyệt, từng bước hình thành và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, như: Du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hoá, bao gồm văn hoá địa phương, kiến trúc đặc thù, du lịch tâm linh…; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông,…theo từng cụm du lịch, gồm: TP Đà Lạt và vùng phụ cận (Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Đơn Dương, Lâm Hà); TP Bảo Lộc và vùng phụ cận (Di Linh, Bảo Lâm); các huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng mở rộng du lịch gắn với bảo tồn và phát triển rừng, cây xanh thuộc khu vực nội thành TP Đà Lạt phục vụ du lịch; xây dựng phát triển Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế…
Lâm Đồng cũng đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hoá, văn minh, thân thiện theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng. Khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 5.060 ngàn lượt khách, tăng 12,2% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 301 ngàn lượt, tăng 32,6%; khách qua lưu trú ước đạt 3.660 ngàn lượt, tăng 14,9% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch đạt 7.623,3 tỷ đồng, tăng 16,1%.
Trong 6 tháng đầu năm, Lâm Đồng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch nổi bật như: Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2024 (từ ngày 31/5-06/6/2024), Chương trình du lịch đêm khép kín kết nối Ga Đà Lạt với các điểm du lịch dịch vụ tại điểm Ga Trại Mát với chủ đề “Đà Lạt đêm say - Một hành trình đa trải nghiệm”; đưa vào khai thác thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới…
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.
Hệ thống khu, điểm du lịch được phát triển theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế. Trong đó, TP Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế. TP Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng.
Tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và khai thác các khu du lịch hiện có. Mở rộng khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, đầu tư đưa vào khai thác các khu du lịch trọng điểm: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Prenn, Khu du lịch núi Sa Pung và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch… Đồng thời, phát triển một số khu du lịch mới gắn liền với danh thắng thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa, các hồ thuỷ lợi có tiềm năng phát triển du lịch. Tăng cường liên kết vùng, gắn các khu du lịch Lâm Đồng với vùng, quốc gia và quốc tế…
6 nhóm sản phẩm du lịch chính được Lâm Đồng tập trung đầu tư, bao gồm: Du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khoẻ - thể thao cao cấp (golf, đua ngựa, đua chó...); du lịch sinh thái - mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hoá tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo...
Lâm Đồng có 03 di sản thế giới được UNESCO công nhận: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Mộc bản Triều Nguyễn; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang; 02 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích thắng cảnh cấp quốc gia; 04 di tích kiến trúc, lịch sử cách mạng cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh.