Cùng với việc quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Lâm Đồng đang gấp rút hoàn thiện quy hoạch để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng địa phương.
Đó là chia sẻ của ông Trần Hồng Thái – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, hoàn thiện quy hoạch là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Vấn đề này được Lâm Đồng thực hiện ra sao thưa ông?
Hiện nay, tỉnh đang tập trung hoàn thiện, đồng bộ hệ thống quy hoạch tỉnh cùng với việc triển khai Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 14/1/2025, gắn với quy hoạch vùng Tây Nguyên, quy hoạch ngành quốc gia có hiệu quả nhằm tạo dư địa đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển.
Cụ thể, tỉnh đang tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành liên quan trên cơ sở tôn trọng hiện trạng, thực tiễn địa phương, bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp trên; tập trung xử lý việc việc chồng chéo giữa các quy hoạch, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ). Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn tại các địa phương, bảo đảm chất lượng, tiến độ, để quy hoạch thật sự là động lực phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư.
Tỉnh cũng tập trung hoàn thành các đồ án quy hoạch trọng điểm, như: điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045, điều chỉnh quy hoạch chung khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, quy hoạch chung đô thị Đức Trọng…
Cùng với đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu các đô thị lớn và hạ tầng giao thông, tỉnh cũng tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là hai dự án Cao tốc trọng điểm Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương để có thể phê duyệt và phấn đấu khởi công trong Quý II năm nay.
Việc hoàn thiện quy hoạch tỉnh Lâm Đồng không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của địa phương mà còn tạo tiền đề quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Với quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, Lâm Đồng đang từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc để xây dựng một hệ sinh thái kinh tế đa dạng, hiệu quả và hài hòa với bản sắc địa phương.
- Thưa ông, tỉnh Lâm Đồng đã và đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Lâm Đồng xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.
Trong đó, việc tập trung tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh là nhiệm vụ của tất cả các sở, ngành, địa phương, gắn với việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính hằng năm.
Cùng với việc công bố, công khai toàn bộ thủ tục hành chính của các sở, ngành, các cấp chính quyền thực hiện trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và trực tuyến toàn trình hằng năm, thực hiện rà soát, hoàn thiện, kiến nghị bãi bỏ những thủ tục và các loại giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.
Lâm Đồng cũng tăng cường giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời, triển khai các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu, đề xuất dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 948 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 156.997,88 tỷ đồng. Trong đó, có 681 dự án đã hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 14.803 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 179.800 tỷ đồng.
- Tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nào, thưa ông?
Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, gồm: hạ tầng giao thông logistics; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các dự án nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, đồng bộ; các dự án năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời…); các dự án phục vụ an sinh xã hội: cấp nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, hạ tầng xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; du lịch, thương mại, dịch vụ chất lượng cao, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số.
Đặc biệt, ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương và giữ vững an ninh chính trị, an ninh tôn giáo trên địa bàn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng theo hướng tăng trưởng xanh, gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên... cũng như sẵn sàng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, kỹ thuật cho phát triển dự án điện hạt nhân tại Việt Nam.
Tỉnh cũng khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.
- Trân trọng cảm ơn ông.
Lâm Đồng triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu, đề xuất dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.