Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam bởi thuế hàng nông sản giảm sâu, tiếp cận 0-5% trong vòng 7 - 10 năm.
Chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-EU: Thương mại nông sản - Đối tác phát triển bền vững, sáng 6/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực kinh tế thịnh vượng với GDP chiếm khoảng 23% GDP danh nghĩa thế giới, thu nhập bình quan đầu người lên tới 40.890 USD/người/năm. Với 28 nước thành viên, tổng dân số EU đạt khoảng 516 triệu dân. EU trở thành khu vực có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ khắp các nước trên thế giới; trong đó mặt hàng nông sản có tiềm năng tiêu thụ vô cùng lớn tại khu vực này.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến hết quý II/2018, Việt Nam đã có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như: cà phê, gạo, điều, rau quả,… Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017 và Việt Nam đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNN), mặc dù thời gian qua Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong xuất khẩu hàng nông sản ở những thị trường lớn nhưng đi liền đó là rất nhiều thách thức và khó khăn. Bên cạnh những rào cản về cạnh tranh từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu.
“Vì vậy, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian”, ông Công nói.
Đồng quan điểm, Đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, EU là thị trường rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm và có quy định rất cao, chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản.
Để xuất khẩu nông sản sang thị trường EU thành công, ông Alexandre Bouchot - Tham tán Nông nghiệp của Pháp cho biêt, cần phân cấp thực hiện trong quản trị chính sách lương thực. Tiếp đó thúc đẩy các sáng kiến địa phương; tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp cũng như quan tâm đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế. Đặc biệt, triển khai hoạt động đầu tư chuyển đổi cũng như hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát minh sáng tạo. Hệ thống nông nghiệp và thực phẩm cần phải được cải tổ để phát triển một cách bền vững.