Rác nhập khẩu tồn đọng vì nhập lậu đã đành, nhưng rác có khả năng "tàng hình" trước mọi cơ quan hữu quan lại là chuyện khác...
Hàng chục ngàn container rác tồn đọng ở Hải Phòng cuối cùng đã tìm được nguyên nhân, và một lần nữa lại nằm ở 4 từ quen thuộc “thủ tục hành chính”.
“Chúng ta rất tiếc khi thực hiện việc này chúng ta không xem xét kỹ các văn bản, quy định liên quan dẫn đến chồng chéo. Chúng ta ban hành quy định này mà chưa đánh giá kỹ tác động là sự vô cảm, đã vô tình “bóp chết” doanh nghiệp…” ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay.
Đó là một mặt của vấn đề, khi rác được nhập về chính ngạch. Còn mặt trái của ngành công nghiệp này - “nhập lậu” liệu đã được chỉ mặt đặt tên?
Cuối năm 2018, khi những thông tin về rác nhập khẩu được phát đi rộng rãi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, VTV đã thực hiện một phóng sự thí điểm, đi tìm xem địa chỉ công ty đăng ký nhập khẩu rác có thật hay không.
Kết quả, đó là địa chỉ “ma”. Vậy, thực chất của vấn đề này là gì? Tại sao người ta không dám công khai thật danh tính của đơn vị nhập rác?... Có vô số câu hỏi tương tự để tìm hiểu vấn đề, nhưng không dễ tìm thấy câu trả lời.
Cũng tại phóng sự trên, phóng viên đã tìm đến cơ quan chức năng nhưng nhận được câu trả lời “chưa bao giờ cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp này (…) giấy phép mà công ty này sử dụng để nhập khẩu phế liệu từ năm 2015 đến nay là giả”.
Có thể bạn quan tâm
17:57, 31/01/2019
06:25, 01/02/2019
17:57, 12/07/2018
11:15, 08/07/2018
06:15, 03/01/2019
15:00, 17/12/2018
14:46, 17/09/2018
Tổng cục Hải quan giải thích, giấy phép nhập khẩu phế liệu do Bộ TNMT và các Sở TNMT cấp, không được đăng công khai trên hệ thống thông tin điện tử quốc gia. Do đó, cơ quan hải quan nếu có nghi ngờ cũng không thể tra cứu được, nên buộc phải giải quyết cho thông quan.
Một lần nữa, mắc mớ lại quay về với thủ tục hành chính, nhưng lần này không phải do “nhầm lẫn chồng chéo đáng tiếc” mà nó được gây ra bởi sự tắc trách ở nhiều nơi, hay nói như ông Mai Tiến Dũng là sự “vô cảm”.
Vì sao một công ty sử dụng giấy phép “lậu” trong nhiều năm, nhưng có thể đường hoàng nhập khẩu một thứ hàng hóa nhạy cảm từ bên kia đại dương? Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp thật sự “lỏng tay” như thế?
Hàng chục container rác không phải đến một lúc, mà cả một quá trình, sự nhập nhằng này vô tình “bóp chết” những doanh nghiệp làm ăn đường hoàng, và làm nảy nở một suy nghĩ tiêu cực rằng, rác nhập khẩu hoàn toàn nguy hại!
Nếu cho rằng, phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan.
Vậy, ai để cho rác không đủ tiêu chuẩn ồ ạt vào cảng? Từ khi rác nhập khẩu bùng nổ cho đến nay mới chỉ một doanh nghiệp bị khởi tố, cũng là trường hợp làm giả giấy phép như đã nói ở trên.
21.184 container rác tồn ở cảng Hải Phòng chắc chắn không chỉ có một “ông chủ”.
Nhưng rác nhập khẩu - bản thân nó là một xu thế, hay nói đúng hơn là mặt trái của toàn cầu hóa, trực tiếp là sự phát triển không đồng đều nhau giữa các quốc gia.
Từ khi Trung Quốc ban bố lệnh cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, Việt Nam đã trở thành “điểm đến lý tưởng”. Sáu tháng đầu năm 2018, Việt Nam chi 1,2 tỷ USD mua rác! Một con số không hề nhỏ.
Trước đây, Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đều xuất khẩu phần lớn phế liệu sang Trung Quốc. Bởi vậy, đối với 4 nền kinh tế này, lệnh cấm của Trung Quốc đối với nhập khẩu phế liệu đồng nghĩa mất đi một kênh đổ rác hữu hiệu.
Thế nên, tầm ảnh hưởng của chính sách không chỉ gói gọn trong lãnh thổ, mọi nỗ lực giải quyết rác tồn đọng sẽ vô nghĩa nếu cứ thuận theo nguyên tắc “rác chảy chỗ trũng”.
Hơn thế nữa, đó không chỉ là chuyện rác, mà còn là “sức khỏe” của những cơ quan làm nhiệm vụ chốt chặn ở cửa ngõ của đất nước. Nên lưu ý rằng, mỗi năm trên thế giới có rất nhiều nguồn phóng xạ độc hại bị thất lạc không thể tìm thấy. Không ai chắc rằng, nó không đi theo rác…
Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đang chuyển nhanh sang thời kỳ 4.0, những gì còn lại của thời 3.0 sẽ bị thải loại thành rác, điểm đến của nó lại là những quốc gia yếu hơn, như Việt Nam.
Trung Quốc tiêu thụ 1/2 lượng phế liệu toàn cầu, Việt Nam sát bên Trung Quốc, có đường bờ biển dài cộng thêm sự yếu kém trong quản lý. Tương lai gần, rác nhập khẩu không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn là an ninh quốc gia.