Giá vàng quốc tế tuần này có thời điểm tăng vọt lên mức 1.848USD/oz do lạm phát của Mỹ tăng mạnh. Vậy giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng lên mức 56,4 triệu đồng/lượng ở những ngày đầu tuần này, sau đó giảm xuống 56 triệu đồng/lượng, rồi bật tăng trở lại mức 56,4 triệu đồng/lượng. Theo một số doanh nghiệp lớn ở Hà Nội và TP.HCM, giao dịch vàng vẫn chưa có dấu hiệu tăng mạnh trở lại.
Sở dĩ giá vàng quốc tế tăng mạnh lên mức 1.848USD/oz ở những phiên đầu tuần do số liệu lạm phát tháng 4 của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái- mức tăng cao nhất trong 13 năm qua; chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng vọt lên mức 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao kỷ lục từ nhiều năm qua.
Sau đó, áp lực chốt lời tăng mạnh, khiến giá vàng giảm xuống 1.808 USD/oz khi FED trấn an dư luận rằng lạm phát tăng chỉ là tạm thời. Điều này đã giúp đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại 1,7%.
Tuy nhiên, việc trấn an dư luận của FED không thể làm nhụt trí của các nhà đầu tư vàng, họ lại đẩy mạnh mua vàng sau khi doanh số bán lẻ tháng 4 của Mỹ được công bố không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số liệu này tháng 3 đã tăng tới 10,7% so với cùng kỳ. Thậm chí, nếu loại trừ ô tô, khí gas, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống, thì doanh số bán lẻ tháng 4 đã giảm 1,5%. Điều này đã khiến lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm trở lại, đồng thời đẩy giá vàng tăng lên mức 1.848USD/oz trong phiên cuối tuần.
Vấn đề đặt ra là lạm phát của Mỹ chỉ tăng tạm thời, hay đã bắt đầu tăng mạnh trở lại? Một số chuyên gia cho rằng, lạm phát Mỹ bất ngờ tăng mạnh do tác động nhất thời của các gói kích thích kinh tế Mỹ (4.900 tỷ USD đến thời điểm hiện tại). Hơn nữa, việc CPI tăng mạnh so với cùng kỳ còn do trong nhiều tháng qua, nước Mỹ thực hiện cách ly một thời gian dài, nay mở cửa trở lại đã và đang kích hoạt mạnh sản xuất kinh doanh, chi tiêu tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi trở lại.
Hơn nữa, trước đây FED đã từng tuyên bố sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát trung bình mục tiêu (2%), có nghĩa sẽ có những thời điểm cho phép lạm phát tăng cao vượt quá hơn nhiều so với 2%. Bởi kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi vững chắc, nay nếu đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ, thì đà phục hồi này sẽ bị suy giảm. Đây cũng là một trong những lý do FED cho rằng CPI tháng 4 tăng mạnh chỉ là dấu hiệu tạm thời.
Song, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về áp lực lạm phát của Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh trở lại. Sở dĩ như vậy do hiện nay nhiều doanh nghiệp của Mỹ vẫn khó tuyển dụng lao động do tác động của các gói kích thích kinh tế, nên đã và đang tăng mạnh tiền lương để thu hút lao động. Trong khi đó, kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi, nên giá cả các nguyên vật liệu, hàng hóa tiêu tiêu dùng cũng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị đứt gãy do tác động của COVID-19, trong khi cầu đang tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế phục hồi, khiến giá nguyên vật liệu, hàng hóa tăng mạnh. Ngoài ra, FED vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, bao gồm lãi suất cơ bản 0-0,25% và bơm 120 tỷ USD mỗi tháng qua chương trình nới lỏng định lượng.
Đó là chưa kể Tổng thống Mỹ Biden vừa đề xuất 2 gói kích thích kinh tế có tổng quy mô 4.100 tỷ USD (gói chi tiêu cho giáo dục, chăm sóc và nghỉ phép có lương trị giá 1.800 tỷ USD và gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD). Nếu 2 gói kích thích này được Quốc hội Mỹ thông qua, thì tổng các gói kích thích của Mỹ sẽ lên tới 9.000 tỷ USD, tương đương gần 42% GDP của Mỹ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao, dù rằng CPI tháng 4 tăng mạnh cũng sẽ là trở ngại đối với ông Biden khi thuyết phục lưỡng viện Quốc hội thông qua 2 gói kích thích này…
Ông Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của Công ty Quản lý vốn hạ tầng có trụ sở ở New York, cho rằng với đà tăng mạnh giá nguyên vật liệu, hàng hóa như hiện nay, cộng với các gói kích thích kinh tế lớn, thì FED sẽ không thể mãi nói lạm phát chỉ là tạm thời, mà chờ đến một lúc nào đó họ sẽ phải thừa nhận điều này và tăng lãi suất.
Dù lạm phát của Mỹ chỉ tăng mạnh nhất thời hay không thì lãi suất thực ở quốc gia này đã ở mức âm khá sâu. Do vậy, các tài sản phi lãi suất như vàng… sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cũng cho rằng dù FED đã trấn an thị trường tài chính, nhưng trên thực tế, lạm phát của Mỹ đã tăng mạnh, khiến lãi suất thực âm sâu hơn. Điều này sẽ vẫn tác động tích cực đến giá vàng tuần tới. Tuy nhiên, đà tăng ngắn hạn của giá vàng chưa thực sự bền vững khi nhu cầu đầu tư, cũng nhu cầu vàng vật chất chưa phục hồi mạnh trở lại.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng đã chạm vùng vượt mua do đợt tăng mạnh vừa qua. Nếu giá vàng tuần tới vượt qua mức 1.849USD/oz (MA200 trên biểu đồ ngày), thì sẽ tiếp tục tăng lên các mức cao hơn, thậm chí tiếp cận 1.900USD/oz. Ngược lại, giá vàng sẽ điều chỉnh trở lại vùng 1.800USD/oz với mức 1.795USD/oz (MA100) là mức hỗ trợ đầu tiên, kế tiếp là 1.757USD/oz (MA50).
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần tới: Lực đẩy từ áp lực lạm phát
05:30, 09/05/2021
Giá vàng tuần tới: Đòn bẩy từ đề xuất tăng thuế sốc của ông Biden
05:30, 25/04/2021
Giá vàng tuần tới sẽ phục hồi theo mô hình hai đáy?
06:00, 04/04/2021
Hướng đi nào cho giá vàng tuần tới?
06:00, 28/03/2021
Giá vàng ngắn hạn đã chạm đáy?
05:30, 14/03/2021