Làm rõ nhiệm vụ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

NGUYỄN VIỆT 28/08/2023 12:24

Nếu quy định các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ cùng công an cấp xã để nắm thông tin, kiểm tra nhân khẩu… sẽ dễ bị lạm dụng, không rõ trách nhiệm nếu sai phạm xảy ra.

>>Chủ tịch Quốc hội: Không “đẩy” cái khó cho người dân, doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh tại phiên họp về Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Dự thảo Luật), ngày 28/8.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang).

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang).

Do đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần làm rõ nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xa thực hiện nhiệm vụ.

Về vấn đề xây dựng lực lượng, theo đại biểu Trần Văn Lâm cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp, điều hành, quản lý, sử dụng lực lượng này ở cơ sở để đảm bảo phù hợp.

Trong đó, làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng lực lượng này. Đồng thời, làm rõ vai trò của chính quyền, ý kiến nhân dân trong việc cho thôi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tham gia ý kiến về Dự thảo Luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đại biểu cho rằng, chế độ bồi dưỡng cho lực lượng này rất cao. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, mặc dù Dự thảo Luật không nêu cụ thể quy định mức bồi dưỡng là bao nhiêu nhưng cần thống nhất chi theo một mức lương ở cơ sở. Ngoài ra, còn cần chi hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Do vậy, đây sẽ là con số chi khá lớn.

>>Chủ tịch Quốc hội: Không “đẩy” cái khó cho người dân, doanh nghiệp

>>Đại biểu tranh luận về đổi tên Luật Căn cước công dân

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Bên cạnh đó, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn được bồi dưỡng khi được cử đi tập huấn, huấn luyện hoặc được khen thưởng của các có thẩm quyền.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận thấy, lực lượng này ngoài việc được bồi dưỡng “phần cứng” thì “phần mềm” cũng được bồi dưỡng rất nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng các nội dung này, để tránh khi Luật ban hành thì sẽ khó áp dụng ở địa phương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt ra một vấn đề: Lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương giống với chế độ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhưng lại không có chế độ bồi dưỡng hàng tháng.

Đồng thời bày tỏ băn khoăn lực lượng dân quân tự vệ cũng hoạt động giống với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, phối hợp với lực lượng công an trực và làm nhiệm vụ như thế nào?

Cho rằng như vậy có sự bất cập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nên cân nhắc lại nội dung này, cần quy định chế độ bồi dưỡng sao cho không có sự so bì ở địa phương. Đồng thời đề nghị cân nhắc chế độ cho 6 nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng công an xã, quy định nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể để không gây khó cho địa phương khi thực hiện.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng góp ý về quy định tiêu chuẩn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đề nghị cần quy định cụ thể khung tối thiểu của độ tuổi tham gia.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Kon Tum).

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Kon Tum).

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho biết, theo quy định tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng, nội dung giải thích từ ngữ này chưa đầy đủ, chưa thống nhất với vị trí, chức năng của lực lượng này theo quy định tại Điều 3, nội dung quy định về quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Điều 5. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, cơ quan chủ trì cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, đảm bảo quy định về lực lượng này được thống nhất. 

Về hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật nghiêm cấm người tham gia lực lượng này lạm dụng, lợi dụng việc thực hiện tham gia bảo đảm an ninh để nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị cần bổ sung quy định nghiêm cấm các thành viên lực lượng có hành vi tiếp tay, bảo kê cho các hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu tranh luận về đổi tên Luật Căn cước công dân

    11:25, 28/08/2023

  • Chủ tịch Quốc hội: Không “đẩy” cái khó cho người dân, doanh nghiệp

    10:31, 28/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm rõ nhiệm vụ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO