Các quy định trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước cần chặt chẽ, tránh trường hợp lợi dụng để trốn thuế.
Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, ngày 17/9.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa xử lý hết những trường hợp còn vướng mắc trong 10 năm trở lại đây, nên chúng ta mới đặt vấn đề ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Song các quy định trong Nghị quyết cần chặt chẽ, tránh trường hợp lợi dụng để trốn thuế.
Ví như, trường hợp chỉ cần nộp đơn yêu cầu phá sản hoặc Tòa án mới thụ lý, chưa giải quyết đã xóa nợ. Chúng ta chỉ xóa nợ thuế khi Tòa án đã khẳng định là doanh nghiệp phá sản. Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và nêu tên một cách công khai từng tổ chức, cá nhân sẽ được xóa nợ thuế.
Nợ đọng thuế vẫn còn cao
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát toàn bộ các luật liên quan đến quản lý thuế từ năm 2006, 2012, 2014, 2016, 2019, xem những khoản nào chưa có quy định liên quan đối tượng cần phải xử lý mới đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện đúng tinh thần Điều 152 - điều khoản chuyển tiếp của Luật Quản lý thuế năm 2019, bảo đảm phủ hết các đối tượng không có khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
18:45, 14/09/2019
13:26, 14/09/2019
00:15, 14/09/2019
“Chính phủ cũng cần làm rõ trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cán bộ các bộ, ngành, địa phương liên quan đến tình trạng để nợ đọng thuế trong thời gian vừa qua để báo cáo Quốc hội. Đặc biệt ở con số 41.000 tỷ đồng không thể thu hồi được; sâu hơn nữa là hơn 11.000 tỷ sẽ xóa theo tinh thần Nghị quyết này”, Phó ông Hiển nói.
Ngoài ra, Chính phủ cần hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết và tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật. Theo đó, cần trả lời cho được câu hỏi mà Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã đặt ra là, tại sao trong vòng 13 năm, từ 2006 đến nay, qua 5 năm lần sửa Luật Quản lý thuế mà vẫn còn có khoảng trống pháp lý chưa được xử lý?
Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Cụ thể, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.
Số nợ do cơ quan thuế quản lý là 76.328 tỷ đồng, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 37.572 tỷ đồng. Số nợ hải quan quản lý là 5.289 tỷ đồng, không còn khả năng thu là 3.815 tỷ đồng.
Trong số nợ đọng nêu trên, có 759.319 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người nộp thuế gặp khó khăn bất khả kháng với tổng số nợ đọng là 29.293 tỷ đồng.
Có 2.635 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền thuế nợ là 460 tỷ đồng. 24.113 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền thuế nợ là 2.072 tỷ đồng. 216 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền thuế nợ là 398 tỷ đồng.
Rà soát lại việc xóa nợ
731.696 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế; cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số tiền thuế nợ là 23.889 tỷ đồng.
“Từ tình hình trên, để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước”, ông Dũng nói.
Tờ trình cũng nêu rõ, dự kiến có 758.660 người nộp thuế thuộc đối tượng, với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là 10.562 tỷ đồng.
Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát lại việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì doanh nghiệp nhà nước là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, cần rà soát, báo cáo rõ việc xử lý tiền thuế nợ đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… trong dự thảo nghị quyết này, theo đó sẽ khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cụ thể nào liên quan đến đất đai.