Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ hơn việc đầu tư 27 km còn lại của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
>>Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, ngày 4/1.
Về phạm vi đầu tư, theo quy hoạch, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km, đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn 2021 – 2025 Chính phủ chỉ đề xuất đầu tư 729 km.
“Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ hơn việc đầu tư 27 km còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, ông Thanh nói.
Về quy mô mặt cắt ngang: Chính phủ đề xuất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án theo quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh. Tuy nhiên, giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 17 m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp).
Do đó, một số ý kiến đề nghị đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 24,75 m (bao gồm 2 làn dừng xe khẩn cấp) để phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về đường ô tô cao tốc, đồng thời bảo đảm hiệu quả trong việc khai thác, mở rộng về sau.
Ý kiến khác cho rằng việc đầu tư Dự án theo quy mô mặt đường 24,75 m sẽ cần phải bổ sung thêm khoảng 50.000 tỷ đồng trong điều kiện NSNN còn khó khăn hiện nay là khó khả thi, do đó tán thành với đề xuất của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề này.
Về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính: một số ý kiến đề nghị cần sớm hoàn chỉnh hướng tuyến của Dự án; rà soát kỹ lưỡng để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giải pháp hiệu quả xử lý các khu vực có nền đất yếu, lưu ý các khu vực quốc phòng, an ninh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, khu bảo tồn, vườn quốc gia...
Một số ý kiến đề nghị cần áp dụng triệt để các công nghệ tiên tiến, phương án thiết kế cầu, hầm... để tối ưu hóa hướng tuyến của Dự án; bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho các dự án thành phần thuộc Dự án.
Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung giải trình làm rõ những vấn đề trên. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế nhận thấy có 81,5 km của Dự án đi trùng với đường Hồ Chí Minh.
Vì vậy, Chính phủ cần bổ sung, làm rõ các đoạn tuyến của Dự án đi trùng với các tuyến đường hiện hữu và phương án xử lý đối với các đoạn đi trùng để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân và hiệu quả của các dự án liên quan.
Về hình thức đầu tư, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, cùng với những bất cập trong thực hiện phương thức PPP vẫn chưa được khắc phục thì khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án theo phương thức PPP là rất thấp.
Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là có cơ sở.
Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Dự án.
Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo Kế hoạch.
Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế hiện nay đối với loại hình đầu tư theo phương thức PPP để tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông khác theo phương thức đầu tư này, bảo đảm thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội về việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” (Chương trình). Ủy ban Kinh tế nhận thấy Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, do đó cần tập trung ưu tiên bố trí vốn từ Chương trình để bảo đảm tiến độ cho Dự án.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ phương án điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch) và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình để ưu tiên vốn của Chương trình cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022 - 2023 và sắp xếp lại Kế hoạch để bố trí vốn thực hiện Dự án trong giai đoạn 2024 - 2025.
Có thể bạn quan tâm
10:20, 04/01/2022
10:00, 04/01/2022
05:00, 04/01/2022
01:10, 02/01/2022