Lễ hội vải thiều Thanh Hà lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng trường Thanh Bình, huyện Thanh Hà với kinh phí tổ chức dự kiến khoảng 1,4 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Kim Phượng, PGĐ Sở Công Thương Hải Dương cho biết công tác chuẩn bị cho lễ hội đang trong giai đoạn hoàn tất. Lễ hội vải thiều Thanh Hà sẽ diễn ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 với nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.
Lễ hội sẽ diễn ra tại Quảng trường Thanh Bình, huyện Thanh Hà, kinh phí tổ chức dự kiến khoảng 1,4 tỷ đồng.
Lễ hội vải thiều Thanh Hà 2018 là cơ hội để quảng bá, giới thiệu về đặc sản địa phương, qua đó thúc đẩy giao lưu, mở rộng việc thu mua xuất nhập khẩu nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là dịp để Hải Dương phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch tại địa phương.
Dự kiến, lễ hội này sẽ đón khoảng 600 khách mời, trong đó hơn 200 khách là đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài tỉnh Hải Dương.
Khách tới sự kiện sẽ được tham quan cây vải Tổ, thăm các vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vải xuất khẩu đi Mỹ; trải nghiệm hái vải và đi thuyền tham quan các vườn vải ven sông Hương…
Được biết, huyện Thanh Hà đã bố trí 26 gian hàng trưng bày nông sản địa phương như vải quả, mật ong, ổi, sắn dây, gạo nếp, chuối, chanh...; chọn 2 cây vải (1 cây vải sớm, một cây vải chính vụ) để trang trí cho lễ hội; bố trí 3 vườn vải để hướng dẫn du khách đến thăm quan. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác vệ sinh môi trường dọc hai bên đường 390, 390B. Xã Thanh Sơn bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông tại khu vực cây vải tổ.
Trước đó, UBND huyện Thanh Hà đã làm việc với Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) về việc mở rộng thị trường tiêu thụ vải trong nước.
Theo đó, Saigon Co.op dự kiến tiêu thụ hơn 1.000 tấn vải Thanh Hà ở thị trường trong nước thông qua hệ thống siêu thị Co.opmart và chuỗi cửa hàng bán lẻ Co.opfood, tăng gấp 3 lần so với vụ trước. Tại thị trường phía Bắc, Saigon Co.op lựa chọn Công ty TNHH một thành viên Rau củ quả Thanh Hà là đơn vị phân phối; còn khu vực phía Nam, đơn vị đã ký hợp đồng với các Công ty TNHH: một thành viên Hưng Việt và Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà để phối hợp tiêu thụ vải.
Ngoài ra, Trung tâm Doanh nghiệp và hội nhập (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) vừa cấp 25 bộ mã truy xuất nguồn gốc cho vải Thanh Hà. Tài khoản quản trị và mã truy xuất do 25 HTX dịch vụ nông nghiệp của huyện khai thác sử dụng. Mỗi bộ mã có 2 mã truy xuất cho vải sớm, vải thiều và sử dụng mã QR để thực hiện truy xuất trên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản. Mã truy xuất giúp nâng cao hiệu quả quản lý thương hiệu, tránh tình trạng bị sản phẩm kém chất lượng trà trộn, ảnh hưởng đến uy tín vải Thanh Hà.
Để được cấp mã truy xuất nguồn gốc, các HTX phải bảo đảm cung cấp thông tin minh bạch về xuất xứ, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng.
Thanh Hà hiện có gần 4.000 ha vải, bao gồm 1.000 ha vải sớm và gần 3.000 ha vải thiều. Sản lượng vải của huyện năm nay ước đạt 35.000 tấn, tăng hơn 10.000 tấn so với năm trước.