Lằn ranh về giá điện, hỗ trợ giá điện còn mờ nhạt, cào bằng

BẢO LOAN 31/10/2023 19:52

Giá bán điện hiện nay vẫn còn mang màu sắc "bao cấp", bù trì. Lằn ranh về giá điện, việc hỗ trợ giá điện phục vụ các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, an sinh nhiều khi còn mờ nhạt, cào bằng.

>>> Chuyển sang điện xanh sẽ không tránh khỏi việc tăng giá điện

Đó là một thực tế hiện nay được PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định tại Tọa đàm về "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp" chiều ngày 31/10 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh… Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện còn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trì; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra.

Tọa đàm

Tọa đàm về "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp" chiều ngày 31/10 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Cách lập luận về giá điện, giá lương thực vẫn như ngày xưa, nhưng bây giờ là cơ chế thị trường, giá xăng dầu cũng đã tiệm cận cơ bản giá thị trường nhưng giá điện thì giữ mức giá Nhà nước quy định.

Theo tinh thần giữ giá điện để hỗ trợ các lực lượng yếu thế, giá điện có phần bù lại cho người mua đặc biệt là cho nhóm người yếu thế.

Tuy nhiên trên thực tế, ông Thiên nói: chúng ta thấy rằng không chỉ như vậy. Giá điện chung là giá tính bao cấp còn khá nặng nên mức giá khá thấp, đặc biệt mấy năm gần đây chi phí về điện tăng rất cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Cách lập luận về giá điện, giá lương thực vẫn như ngày xưa, nhưng bây giờ là cơ chế thị trường, giá xăng dầu cũng đã tiệm cận cơ bản giá thị trường nhưng giá điện thì giữ mức giá Nhà nước quy định.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Giá xăng dầu đã tiệm cận cơ bản giá thị trường nhưng giá điện thì giữ mức giá Nhà nước quy định

>>>Giá điện cần chính sách điều hành theo cơ chế thị trường

Cụ thể, các điều kiện đầu vào, vốn, tỉ giá hối đoái và giá các năng lượng khác rất cao nhưng giá điện vẫn giữ giá rất thấp, tăng hầu như không đáng kể.

Theo tinh thần hỗ trợ người lao động, hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn, tuy nhiên điều đó sẽ dẫn đến thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất.

Ông Thiên cho rằng: Trong thời gian tới khi Việt Nam đang ở thị trường và tính cạnh tranh quốc tế thì cần bàn nghiêm túc hơn nữa về câu chuyện nên tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp.

Từ sự phân tích của PGS.TS. Trần Đình Thiên, là chuyên gia về giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng chia sẻ: Việc tính toán giá điện đã có những nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đã đề ra, như: 6 tháng 1 lần nếu như các chi phí đầu vào qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì buộc chúng ta phải điều chỉnh.

Tuy nhiên, Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, cho đến nay là 6 năm, chúng ta mới có 3 lần điều chỉnh. Như vậy về thời gian là không bảo đảm theo quy định.

Còn về nội hàm của giá điện, ông cho rằng các lần điều chỉnh vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện. “Có nghĩa là tất cả những chi phí sản xuất đầu vào từ phát điện đến truyền tải, phân phối đến quản lý ngành, dịch vụ phụ trợ... tất cả những khâu đó tạo nên giá thành điện. Nhưng khi quyết định giá, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... chúng ta không tính đủ giá thành của điện vào trong giá", ông Nguyễn Tiến Thỏa  nói.

ông Nguyễn Tiến Thỏa

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: "Chúng ta không tính đủ giá thành của điện vào trong giá"

>>> Đảm bảo khách quan khung giá điện

Lấy ví dụ năm 2022, giá thành tăng 9,27% nhưng chỉ điều chỉnh có 3%, tất cả những điều đó đều gây khó khăn về nhiều mặt. Một là, dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất gặp khó khăn. Hai là, giá điện càng thấp nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải.

Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường.

“Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển sang điện xanh sẽ không tránh khỏi việc tăng giá điện

    01:10, 21/09/2023

  • Giá điện cần chính sách điều hành theo cơ chế thị trường

    11:00, 18/09/2023

  • Đảm bảo khách quan khung giá điện

    02:00, 17/09/2023

  • Đề xuất đưa khoản lỗ của EVN vào giá điện: Chuyên gia nói gì?

    00:57, 06/09/2023

  • Vì sao Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần?

    21:23, 05/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lằn ranh về giá điện, hỗ trợ giá điện còn mờ nhạt, cào bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO