Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh đề xuất triển khai các khảo sát trong cộng đồng doanh nghiệp SME Việt Nam về nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến biến đổi khí hậu.
Tại cuộc làm việc về việc hợp tác triển khai Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (SPI-NDC) ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), thành viên Ban Chỉ đạo Dự án nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, VCCI đã tích cực phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước như MONRE, các cơ quan của Liên hợp quốc, P4G,… để triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, đặc biệt trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Cũng tại cuộc gặp, ông Fukuda Koji, Trưởng cố vấn kỹ thuật của JICA, Điều phối viên Dự án SPI-NDC đã trình bày sơ bộ về nội dung Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (SPI-NDC) nói chung, các hoạt động nhằm khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào dự án nói riêng, cũng như trao đổi về tiềm năng hợp tác với VCCI.
Theo đó, đối với hoạt động thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thông qua cơ chế hợp tác VCCI – MONRE – JICA, dự kiến triển khai các hoạt động, cụ thể, thiết kế và thực hiện hoạt động đào tạo doanh nghiệp về giảm thiểu phát thải khí nhà kính và Kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục (BCP) phòng chống các rủi ro khí hậu.
Lựa chọn một số doanh nghiệp triển khai thí điểm xây dựng BCP và kế hoạch giảm thiểu phát thải khí nhà kính tại doanh nghiệp, từ đó tập hợp các điển hình thông lệ tốt
Từ phía VCCI, Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh việc thực hiện đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp về lập báo cáo khí nhà kính cấp cơ sở và giảm thiểu phát thải khí nhà kính là rất quan trọng, làm tiền đề xây dựng các hoạt động đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, ông Vinh cũng đề xuất triển khai các khảo sát trong cộng đồng doanh nghiệp SME Việt Nam (vốn chiếm hơn 98% doanh nghiệp) về nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký VCCI cho biết, từ năm 2016, VCCI đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Tài nguyên Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động triển khai Chương trình Đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững nói riêng và thay đổi tư duy kinh doanh – từ kinh doanh vị lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm.
Năm 2021, Chương trình cũng mang đến điểm mới với 02 giải thưởng phụ về Bình đẳng giới tại công sở và Quyền trẻ em trong kinh doanh. Tổng Thư ký VCCI đề nghị VCCI và JICA, cùng các đối tác có thể cùng nhau xây dựng và triển khai thêm các giải thưởng phụ về Kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu từ các năm sau để khuyến khích mạnh mẽ hơn sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Trên thực tế, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.
Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu được các quốc gia thực hiện trên cơ sở Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và hai văn bản quy định chi tiết các nội dung của Công ước là Nghị định thư Kyoto và Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Công ước được thông qua năm 1992 và có hiệu lực năm 1994, hiện có 196 quốc gia và 01 vùng lãnh thổ là thành viên (gọi là các Bên tham gia). Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1995 và có hiệu lực năm 2007, thời kỳ cam kết lần thứ nhất (2007-2012) có 192 Bên tham gia, thời kỳ cam kết lần thứ 2 (2013-2020) hiện có 137 Bên tham gia và cho đến nay vẫn chưa có hiệu lực (điều kiện để thời kỳ cam kết lần thứ 2 có hiệu lực là phải có ít nhất 144 Bên tham gia). Nghị định thư Kyoto quy định cụ thể trách nhiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các nước phát triển và khuyến khích các nước đang phát triển giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự nguyện phù hợp với điều kiện quốc gia.
Thoả thuận Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước (COP21) năm 2015 và có hiệu lực năm 2016, hiện có 189 Bên tham gia. Đây là khung khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực. Nội dung quan trọng nhất của Thoả thuận Paris quy định việc các Bên tham gia xây dựng và thực hiện NDC; giám sát, đánh giá việc thực hiện NDC và cung cấp nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực để thực hiện NDC.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số chính sách trong nước để đáp ứng các yêu cầu của Thỏa thuận Paris, bao gồm việc phê duyệt Thỏa thuận Paris (Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ), ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris (Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 6 năm 2016). Mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam giai đoạn 2020-2030 được nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật được đệ trình UNFCCC tháng 9 năm 2020, theo đó sẽ giảm 9% bằng nguồn lực trong nước và giảm 27% với sự hỗ trợ của quốc tế so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU).
Trong đó, Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (SPI-NDC) nhằm tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện chính sách về giảm phát thải khí nhà kính cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết dịnh của MONRE, các cơ quan đầu mối của các Bộ, ngành trong NDC.
Đồng thời, tăng cường thực hiện hiệu quả chính sách huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện NDC thông qua VCCI.
Dự án SPI-NDC sẽ tập trung tăng cường năng lực kỹ thuật và thực thi chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các cơ quan đầu mối về biến đổi khí hậu và đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ tham gia thực hiện NDC, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khu vực tư nhân.
Dự án gồm các hoạt động chính là tăng cường năng lực cho MONRE và các cơ quan đầu mối thực hiện NDC. Hỗ trợ lên kế hoạch, thực hiện, theo dõi và xây dựng các mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính của khối tư nhân.
Có thể bạn quan tâm
20:15, 19/07/2021
14:39, 11/07/2021
04:37, 05/07/2021