Lạng Sơn: Cùng kiến tạo môi trường đầu tư

HÀ NAM 04/06/2021 15:50

Trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ có những điểm nhấn quan trọng trong thu hút đầu tư khi tạo được quỹ đất sạch từ các Khu, CCN.

Tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tạo động lực cho cải thiện môi trường đầu tư; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách nhằm huy động và kết hợp các nguồn lực… đó là hướng đi của tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay.

Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải:
Đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông

Hiện, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng, tháo gỡ các nút thắt góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể: Hoàn thành dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng vào năm 2024; phối hợp, thực hiện giai đoạn 1 dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nghiên cứu, đề nghị Chính phủ đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Lạng Sơn - Quảng Ninh (đoạn Lạng Sơn - Tiên Yên). Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ; đường tỉnh, huyện. Tiếp tục đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư nâng cấp Đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Đồng Đăng… Cùng với đó, kêu gọi nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến xe khách, bến xe hàng; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án Cảng cạn Lạng Sơn, trạm dừng nghỉ Hữu Lũng, trạm dừng nghỉ Cao Lộc trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn... Qua đó, từng bước đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Bà Hà Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội:
Phát huy lợi thế lao động trẻ

Lợi thế lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn là có lưc lượng lao động dồi dào và có cơ cấu lao động trẻ, công tác đào tạo nguồn nhân lực đã từng bước được nâng lên. Ước trung bình mỗi năm tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 2-2,5%/ năm. Đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn được đẩy mạnh, thông qua các chương trình phối hợp như: Đào tạo theo đơn đặt hàng; Phối hợp theo hình thức học lý thuyết tại nhà trường, học thực hành tại các doanh nghiệp;... Qua đó, từng bước nâng cao kiến thức cũng như tay nghề của học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp.

Thực tế, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng lao động lớn và lâu dài không nhiều nên việc gắn kết với giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ cần tuyển dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo; nhận thức của một bộ phận lao động về học nghề gắn với việc làm, tăng thu nhập còn chưa đầy đủ...

Ông Nguyễn Sỹ Tân, Giám đốc Sở Xây dựng:
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định

Trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, Sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thẩm định các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng, tổ chức thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng để chủ đầu tư có căn cứ trình quyết toán dự án và thanh toán kinh phí cho doanh nghiệp; Rà soát kế hoạch thanh tra để cắt giảm cuộc thanh tra không cần thiết đối với doanh nghiệp.

Cùng với đó, ngành tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện sơ đồ hóa quy trình liên thông về thẩm định các đồ án quy hoạch, thẩm định dự án... tiến tới giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp... Đến nay, hầu hết các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đều được niêm yết công khai, rõ ràng tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính của Sở trung bình đạt 95% trở lên.

Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương:
Nỗ lực tạo quỹ đất sạch

Hiện nay, tỉnh đang quy hoạch 02 KCN, tổng diện tích khoảng 762 ha, cụ thể: KCN Đồng Bành diện tích 162 ha, được thành lập từ năm 2014; KCN Hữu Lũng diện tích 599,76 ha. Ngoài ra, còn có KCN Hồng Phong (440 ha) được định hướng trong quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Ngoài ra, tỉnh có 16 CCN (537,08 ha) trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh thời kỳ 2011-2020, xét đến năm 2025. Hiện, có 2 CCN đã được thành lập, gồm: CCN địa phương số 2 tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc (8,5 ha) hiện có 11 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất ổn định, tỷ lệ lấp đầy 94%; CCN Hợp Thành 1 (Cao Lộc) tổng diện tích 23,8 ha tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024.

Trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ có những điểm nhấn quan trọng trong thu hút đầu tư khi tạo được quỹ đất sạch từ các Khu, CCN.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý KKT Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn:
Khẳng định sức hút kinh tế cửa khẩu

Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu đang có nhiều dự án khẳng định sức hút của Lạng Sơn như: Dự án Khu trung chuyển hàng hóa do Công ty cổ phần Khu trung chuyển Lạng Sơn đầu tư, quy mô 143,7 ha; Dự án đầu tư hạ tầng Khu chế xuất 1 do Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội đầu tư quy mô 126,3 ha....

Để góp phần thu hút đầu tư đạt hiệu quả, cần điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn và thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, các khu chức năng trong KKTCK; Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại Khu kinh tế cửa khẩu và các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, tỉnh phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ qua biên giới, sớm hình thành Khu hợp tác du lịch quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; Xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành cửa khẩu kiểu mẫu...

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Cục Trưởng Cục Thuế:
Coi doanh nghiệp là đối tác

Xác định doanh nghiệp là bạn đồng hành của cơ quan thuế, nhiều năm qua Cục Thuế tỉnh không ngừng nâng cao nhận thức và tư duy, coi doanh nghiệp là đối tác để phục vụ. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng... Ngành đã tổ chức triển khai kịp thời các quy định của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đến các đối tượng nộp thuế bằng nhiều hình thức. Nhằm tạo sự thuận lợi tối đa cho người nộp thuế vượt qua khó khăn, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, ngành thường xuyên tổ chức hội nghị phổ biến chính sách thuế mới, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; thực hiện công khai thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý thuế, khai thuế, hoàn thuế, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử…tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất, tiết kiệm thời gian chi phí cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Lạng Sơn: PCI cần sự vào cuộc và hành động của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp

    Lạng Sơn: PCI cần sự vào cuộc và hành động của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp

    14:23, 14/05/2021

  • Hữu Lũng (Lạng Sơn): Công trình “khủng” xây dựng không phép thách thức cơ quan chức năng

    Hữu Lũng (Lạng Sơn): Công trình “khủng” xây dựng không phép thách thức cơ quan chức năng

    17:00, 19/04/2021

  • Lạng Sơn: Sớm tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    Lạng Sơn: Sớm tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    01:12, 16/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lạng Sơn: Cùng kiến tạo môi trường đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO