Kinh tế địa phương

Lạng Sơn: Sẵn sàng cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp

Lê Nam - Nguyệt Hà 21/11/2024 19:17

Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp, đa dạng hóa hình thức thông tin thị trường lao động...

6 LS
UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với UBND tỉnh bắc giang tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Trong thời gian qua, Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp, đa dạng hóa hình thức thông tin thị trường lao động, kết nối giao dịch việc làm nhằm tăng cơ hội tiếp cận thông tin của người lao động và kết nối cung - cầu lao động.

Bà Hoàng Thị Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngành tăng cường chỉ đạo việc thúc đẩy hợp tác, gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác

Thường niên, Sở phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gắn với giải quyết việc làm; phối hợp với một số sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm” nhằm thông tin về việc làm, đào tạo nghề, chính sách bảo hiểm cho người lao động và người sử dụng lao động.

Nhờ đó, trong năm 2023, toàn tỉnh Lạng Sơn đã tạo việc làm mới cho 17.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang sử dụng khoảng 50.000 lao động.

Với những lợi thế về thu hút đầu tư trong giai đoạn tới, tỉnh Lạng Sơn đã chuẩn bị các điều kiện cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp như: chủ động khảo sát nhu cầu sử dụng lao động từ các doanh nghiệp, địa bàn làm cơ sở thực hiện hoạt động tư vấn đào tạo, GDNN nhằm tạo nguồn lao động; tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó chú trọng tuyên truyền về quy hoạch phát triển khu công nghiệp, các cụm công nghiệp nhằm định hướng cho người dân chủ động nắm bắt cơ hội, chuẩn bị các điều kiện tham gia thị trường lao động.

Mặt khác, ngành đã tập trung tạo chỉ đạo các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đổi mới chương trình đào tạo để từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả trong GDNN, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có kỹ thuật của thị trường lao động; đổi mới, nâng cao trong đào tạo các nghề trọng điểm bằng nhiều hình thức như: chuyển giao nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; liên kết đào tạo; trao đổi sinh viên, giảng viên; nghiên cứu khoa học...

Tiếp tục nâng cao Chỉ số đào tạo lao động

Năm 2023, PCI Lạng Sơn xếp thứ 13/30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế hàng đầu cả nước, tăng 2 bậc so với 2022. Trong đó, Chỉ số đào tạo lao động đạt 6,71 điểm, tăng 0,77 điểm, xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc).

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đối với ngành lao động, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động gắn với doanh nghiệp, nhằm giữ vững được điểm số và thứ hạng trong thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất, Sở tiến hành triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác truyền thông trong GDNN, gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động để duy trì và chuyển đổi việc làm; các chính sách liên quan đến GDNN.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN, tăng về quy mô, chất lượng, đa dạng về cơ cấu ngành nghề đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; đầu tư nâng cấp trang thiết bị đào tạo, hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người học; chú trọng rèn luyện kỹ năng, thái độ, tác phong và ý thức kỷ luật cho người lao động trong quá trình đào tạo nghề.

Thứ ba, tăng cường liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp trong tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đào tạo nâng cao tay nghề; tranh thủ nguồn lực của doanh nghiệp để đầu tư, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;…

Năm 2024, ước thực hiện tuyển sinh và đào tạo được 20.746 người, trong đó: cao đẳng 877 người; trung cấp 3.016 người, sơ cấp 10.260 người và đào tạo dưới 3 tháng 6.593 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 64%, tăng 2% so với năm 2023.

Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, việc triển khai đào tạo nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị định 28/2015/NĐ-CP đang gặp một số vướng mắc. Theo đó, cần xem xét và sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đang làm việc tại đơn vị theo hướng nới lỏng điều kiện được hỗ trợ phù hợp với quan điểm có đóng có hưởng do thực tế nhiều doanh nghiệp dù khó khăn nhưng vẫn quyết tâm duy trì số lượng lao động hoặc có giảm nhưng không nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lạng Sơn: Sẵn sàng cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO