Lạng Sơn đã tạo ra không gian số rộng lớn, thống nhất của cấp ủy, chính quyền kết nối với người dân và doanh nghiệp...
Các hệ thống, nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số thực sự đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh xung quanh nội dung này.
- Xin ông cho biết những kết quả đạt được về thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và khắc phục khó khăn, thách thức, Lạng Sơn luôn xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Ngày 28/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tại Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Lạng Sơn tiếp tục xác định chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là khâu đội phá.
Đến nay, tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã hoàn thành 22/30 chỉ tiêu của mục tiêu đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số. Các nhiệm vụ trên 5 trụ cột chuyển đổi số đã được triển khai tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, rõ nét mô hình chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn.
Lạng Sơn đã tạo ra không gian số rộng lớn, thống nhất của cấp ủy, chính quyền kết nối với người dân và doanh nghiệp; 100% trường học sử dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến; 100% người dân và doanh nghiệp có trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính; 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình phục vụ người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số; 100% các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh khai báo và xử lý trên nền tảng cửa khẩu số; 100% tuyến đường, phố, công trình công cộng và khu di tích danh thắng trên địa bàn gắn QR Code …
- Xin ông chia sẻ những cách làm của Lạng Sơn trong hỗ trợ doanh nghiệp để chuyển đổi số thực sự là khâu đột phá cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh?
Những năm qua, Sở đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, góp phần tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tương tác với các cơ quan Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tăng cường tập huấn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn các hộ kinh doanh, các hợp tác xã biết, thực hiện.
Bên cạnh đó, triển khai Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành tại Uỷ ban nhân dân tỉnh (IOC); ứng dụng các dịch vụ thông minh tương tác giữa chính quyền với người dân nhằm giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, triển khai trợ lý ảo hỗ trợ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (Isee Lạng Sơn hay Trợ lý ảo hành chính công); triển khai Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn, giúp doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi, công khai, minh bạch.
Đặc biệt, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2024-2030.
- Năm 2023, tính minh bạch trong Chỉ số PCI tỉnh Lạng Sơn đạt 5,34 điểm, giảm mạnh 1,04 điểm so với năm 2022. Sở đã thực hiện những giải pháp gì để nâng cao Chỉ số, thưa ông?
Điểm khiến Chỉ số thành phần “tính minh bạch” giảm hơn 1 điểm so với năm 2022 là do chất lượng Cổng/Trang TTĐT của tỉnh và các sở, ngành, UBND cấp huyện không được doanh nghiệp đánh giá cao. Vì vậy, Văn phòng UBND tỉnh cùng với Sở có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng về cả hình thức và nội dung đối với Cổng/Trang TTĐT của tỉnh và các sở, ngành, UBND cấp huyện; tăng cường đăng tải thông tin trên trang thông tin về chuyển đổi số,…
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả đánh giá chỉ số và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, PGI, nâng cao chỉ số thành phần “tính minh bạch” nói riêng, gắn với thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, trụ cột để chuyển đổi số thực sự là khâu đột phá để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh.
- Trân trọng cảm ơn ông!