Năm 2024 Lạng Sơn đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống KT-XH, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh tự tin hiện thực hóa mục tiêu trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, song với tinh thần quyết tâm cao và khát vọng bứt phá, năm 2024 Lạng Sơn đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh tự tin hiện thực hóa mục tiêu trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn xung quanh nội dung này.
- Năm 2024, cùng với cả nước, tỉnh Lạng Sơn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều biến động khó lường. Xin ông chia sẻ về những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Lạng Sơn?
Trong năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh cùng sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), mặc dù ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 nhưng tỉnh cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra. Năm 2024, tỉnh có 11 xã đạt chuẩn quốc gia NTM, nâng số xã về đích NTM lên 105/181 xã.
Năm 2024, xuất nhập khẩu tại Lạng Sơn đạt mốc kỷ lục, dự kiến hết năm 2024 tổng kim ngạch các loại hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đạt trên 66 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, lần đầu tiên thu ngân sách của Lạng Sơn dự kiến đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, vượt 32% so với dự toán.
Hết năm 2024, tỉnh có khoảng 1.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 200% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đây. Đặc biệt, năm 2024 tỉnh đã khởi công nhiều dự án lớn có tính liên vùng, tạo dư địa phát triển cho tỉnh trong thời gian tới, như dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) với tổng chiều dài 112km; nâng cấp, cải tạo quốc lộ 4B kết nối Lạng Sơn với Quảng Ninh;...
Về chuyển đổi số, Lạng Sơn tiếp tục dành được các thành tựu quan trọng. Năm 2024, tỉnh được biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam địa phương tiêu biểu và dành 2 giải thưởng về chuyển đổi số (Tổ công nghệ số cộng đồng và chuyển đổi số trong ngành giáo dục). Dự kiến năm 2024 tỉnh vẫn giữ được Top đầu toàn quốc về chuyển đổi số.
Song song với đó, tỉnh chủ động tiên phong trong việc xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai. An ninh chính trị trên địa bàn được đảm bảo.
- Năm 2025, tỉnh sẽ phát huy những thành quả đó như thế nào, thưa ông?
Thứ nhất, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu để tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là thúc đẩy các dịch vụ logistics và hỗ trợ các địa phương khác trong cả nước về giao thương hàng hoá với Trung Quốc.
Thứ hai, tập trung cao độ đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng phát triển du lịch; đẩy mạnh đô thị hoá tạo dự địa, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ ba, tập trung mạnh vào phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, trong đó đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của Lạng Sơn về trồng trọt, chăn nuôi...
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển du lịch. Lạng Sơn là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch, đặc biệt tỉnh có Khu du lịch Mẫu Sơn là đầu tàu dẫn dắt phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới.
Thứ năm, chú trọng phát triển mạnh nguồn nhân lực. Cùng với đó, tỉnh triển khai tốt chính sách an sinh xã hội và 05 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2025.
- Thưa ông, Lạng Sơn đã có sự chuẩn bị như thế nào tạo bước đột phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, tỉnh tập trung tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực của tỉnh về con người, cơ sở vật chất, trí tuệ để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, bám vào đó để tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Lạng Sơn trong thời gian tới, phấn đấu Lạng Sơn sẽ trở thành cực tăng trưởng, trung tâm phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, ban hành các cơ chế chính sách để có thể khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống; lựa chọn thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh trên cơ sở các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ phù hợp với xu thế phát triển mới như công nghệ chip bán dẫn, điện tử nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến sự phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Trong kỷ nguyên mới, Lạng Sơn xác định nhân tố con người là quan trọng nhất, là nhân tố cốt lõi. Tỉnh tập trung xây dựng và phát triển con người Lạng Sơn năng động, sáng tạo, có tâm huyết, có khát vọng vươn lên để tự tin, quyết tâm cùng đất nước vươn mình.
- Trân trọng cảm ơn ông!