Bất cứ cảm xúc, suy nghĩ nào cũng có ý nghĩa và đều xứng đáng được thừa nhận, lắng nghe và thấu hiểu.
Thế nhưng rõ ràng, không phải cảm xúc nào cũng là tích cực, vì vậy, chỉ nhận biết thôi là chưa đủ, chúng ta còn cần học cách quản lý, kiểm soát những luồng cảm xúc tiêu cực.
Việc quản lý cảm xúc này cũng chính là kỹ năng “tự lãnh đạo”, một nền tảng cơ bản mà không ít nhà lãnh đạo bỏ qua. Những trường phái lãnh đạo cấp tiến hiện nay đều nhấn mạnh vào khía cạnh và đòi hỏi những nhà lãnh đạo cần phải biết cách lãnh đạo bản thân, trước khi lãnh đạo người khác, vì khi làm được như vậy, bản thân họ đã trở thành tấm gương để người khác noi theo.
Tôi từng làm việc với một quản lý cấp cao của một công ty truyền thông lớn tại Hà Nội. Trong quá trình coach, chị có chia sẻ rằng chị thường xuyên cảm thấy bực bội, không phục, không hài lòng với những chỉ thị, cách giải quyết của sếp trực tiếp của mình.
Chị biết rõ rằng sau cùng, chị vẫn sẽ phải là người thực hiện những chỉ thị đó, nhưng chị vẫn không ngừng ôm nỗi bực bội ấy trong lòng, không thể thoát ra được.
Một ví dụ khác mà tôi cũng quan sát được ở một nhóm quản lý. Bản thân họ thường ngày là những người rất vui vẻ, hòa đồng và sẵn sàng hỗ trợ nhân viên.
Thế nhưng đến cuối tháng, khi nhận thấy KPI không đạt, doanh số không như kỳ vọng, họ trở nên lo lắng, căng thẳng, mất bình tĩnh và mắng mỏ nhân viên. Mặc dù, rất biết là không nên như vậy, nhưng họ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt, mà là ví dụ điển hình của việc chưa biết cách quản lý cảm xúc cá nhân, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cả chất lượng công việc và mối quan hệ với những người xung quanh.
Trong trường hợp đầu tiên, chị quản lý cấp trung kia sẽ ôm nỗi bực bội đó cả ngày, không thể vui vẻ xử lý công việc, lại luôn giữ những ấn tượng tiêu cực về cấp trên của mình.
Ở ví dụ thứ hai, khi quản lý dồn sự lo lắng, căng thẳng lên nhân viên, họ cũng sẽ rất áp lực, mất tự tin, không khí làm việc căng thẳng, và có thể hiệu quả công việc sẽ còn thấp hơn nữa.
Chúng ta đều biết những cảm xúc tiêu cực hoàn toàn không có lợi, thậm chí ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng và hiệu suất làm việc, nhưng quên mất rằng việc giữ lại hay loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, hoàn toàn là lựa chọn của chính chúng ta.
Bạn bực bội căng thẳng không phải vì chỉ thị kỳ cục của cấp trên, không phải vì nhân viên không được việc hay KPI không đạt.
Bạn bực bội căng thẳng vì tự bản thân bạn đang cho phép những yếu tố bên ngoài đó tác động tiêu cực đến tâm trạng của mình.
Hãy ngừng nghĩ rằng những cảm xúc tiêu cực trong bạn đến từ người khác hay đến từ hoàn cảnh, bạn luôn là người làm chủ và có quyền lựa chọn để kiểm soát cảm xúc của mình
Để quản lý được cảm xúc, trước tiên chúng ta cần nhận biết được cảm xúc khi nó xuất hiện. Cảm xúc không đơn thuần là một trải nghiệm tâm lý, nó còn là một trải nghiệm sinh lý và có những dấu hiệu cụ thể trên cơ thể. Vì vậy, để nhận biết cảm xúc, hãy bắt đầu bằng việc luôn quan sát cơ thể chình mình.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần có tư duy rằng “ta không phải là cảm xúc đó”. Ta nhận biết được rằng bản thân đang tức giận, đang lo lắng; cùng lúc ta cần tách mình ra để quan sát cảm xúc đó bằng lý trí khách quan; tức là ta hoàn toàn nắm quyền làm chủ, cảm xúc không thể lấn át.
Sau khi đã nhận biết được khoảnh khắc cảm xúc tiêu cực xuất hiện, bằng bất cứ cách nào cũng cần cho bản thân một khoảng dừng phù hợp, có thể trong một vài giây, vài phút, hoặc lâu hơn tùy từng tình huống (Wait).
Khoảng dừng đó là lúc để quan sát, đánh giá tình hình, đặt các câu hỏi để nhìn nhận tình huống một cách khách quan (Watch).
Sau khi đã dừng lại để quan sát đánh giá, hãy tự hỏi: trong tình huống này; mình nên làm gì, phản ứng như thế nào để có lợi nhất và không để những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng (Wise).
Đôi khi, việc bạn cần làm chỉ là một vài hơi thở sâu, đôi khi chỉ bằng việc dừng lại, sự giận dữ trong bạn tự nó biến mất.
Để có kỹ năng nhận biết và thực hiện được quy trình 3W này, chúng ta cần có một thời gian thực hành chánh niệm, thiền định thường xuyên và đều đặn.
Khi thiền định, bạn sẽ dần học cách điều hướng suy nghĩ của mình để luôn luôn chú tâm vào hiện tại, ý thức được rõ ràng những suy nghĩ đang tồn tại trong bạn lúc này và biết dừng lại khi cần thiết.
Tương tự như việc tập thể dục mỗi ngày để tăng sức khỏe thể chất, việc thực hành chánh niệm thiền định thường xuyên sẽ giúp rèn luyện tâm trí, kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc tốt hơn.
Trong thời gian đầu rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc, tôi còn có thói quen ghi ghép mỗi ngày, tự hỏi xem hôm nay mình đã quản lý cảm xúc như thế nào, những tình huống có vẻ thách thức đó mình đã xử lý ra sao…
Việc ghi chép đều đặn này giúp tôi nhìn nhận rõ hơn xu hướng hành động của bản thân, và sự tiến bộ mỗi ngày trong việc làm chủ cảm xúc.
Hơn nữa, việc ghi chép cũng tạo điều kiện cho chúng ta hình dung lại tình huống thực tế, nếu một khoảnh khắc nào đó mà ta chưa xử lý tốt, chúng ta có thể hình dung, tưởng tượng lại về cách giải quyết tốt nhất mà đáng lẽ ra ta nên làm.
Não của chúng ta sẽ ghi nhận những hình dung đó như một trải nghiệm thật, tạo nên những kết nối thần kinh mới. Và lần sau, khi gặp tình huống tương tự, não bộ đã có sẵn một cách hành xử tốt hơn để lựa chọn.
Hành trình chuyển hóa trở thành một nhà lãnh đạo tỉnh thức thật sự không thể vội vàng, bạn sẽ cần bình tĩnh, nghiêm túc thay đổi và mạnh mẽ đối diện với chính mình trên suốt cả chặng đường.
Thế nhưng, điều đặc biệt là, ngay cả khi lúc này bạn chưa đạt đến những cấp độ cao để thực sự trở thành một nhà lãnh đạo tỉnh thức, bạn vẫn có thể cảm nhận được những tác động tích cực trên từng bước thay đổi nhỏ của mình.
Sau bài viết này, tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo sẽ hiểu bản thân và làm chủ những cảm xúc của mình tốt hơn nhờ việc biết quan tâm, lắng nghe chính mình, biết dừng lại để tìm ra sự lựa chọn tốt nhất.
Khi đã lãnh đạo được bản thân mình, chúng ta sẽ tiến xa hơn đến những cấp độ để quản lý người khác như sự đồng cảm, tạo động lực…