"Khởi đầu của lãnh đạo bản thân là nhận lãnh trách nhiệm phát triển chính mình. Không ai làm thay ta được" - Đây là chia sẻ của doanh nhân Phạm Duy Hiếu - Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình.
Sếp Hiếu ơi, mỗi một lần em nhận chỉ tiêu từ sếp giao, em cảm thấy vô cùng áp lực, em không còn động lực để làm việc nữa, em phải làm gì?
Trả lời:
Trước hết, cảm giác áp lực là do cách nghĩ của em tạo ra. Hãy nhận biết sự tinh tế này.
Em đang vui vẻ, sếp nói vài câu, và áp lực xuất hiện. Chỉ mới khoảnh khắc trước em còn đang hoàn toàn thoải mái, không có chút áp lực nào, bỗng nhiên "sếp" nói cái gì đó và áp lực nảy sinh.
Không phải "sếp" chui vào đầu của em, chui vào hệ thần kinh của em để điều khiển cảm xúc của em. Anh không có khả năng ấy. Đó là do suy nghĩ của em!
Có thể bạn quan tâm
16:00, 08/12/2019
16:43, 04/12/2019
11:00, 26/11/2019
Nghe lãnh đạo nói về chỉ tiêu, và ngay lập tức một suy nghĩ trong đầu nảy sinh: "mình không làm được đâu, chỉ tiêu này quá sức, mình sẽ thất bại mất thôi, mình sẽ bị trừ lương, mình sẽ bị đuổi việc" và bỗng nhiên, cảm giác áp lực xuất hiện, sự vui vẻ mất đi, mọi thứ trở nên ảm đạm và tối tăm.
Chính suy nghĩ này là thủ phạm. Vì sao mà ta có suy nghĩ này?
Suy nghĩ này đến từ kinh nghiệm trong quá khứ, em đã từng bị áp lực như vậy, đã từng vất vả như vậy, đã từng vật vã như vậy... Suy nghĩ này có những giả định ẩn cần phải làm rõ:
- Nó giả định năng lực của em không có bất cứ sự tiến bộ gì so với quá khứ
- Nó giả định đồng đội của em không có bất cứ một sự tiến bộ gì
- Nó giả định tổ chức của em không có bất cứ sự tiến bộ gì
- Nó giả định, sản phẩm, quy trình, công nghệ không có gì thay đổi
- Nó giả định nguồn lực của em không có gì thay đổi
- Nó giả định cách làm của chúng ta không có gì thay đổi...
Sự thật là, tất cả những giả định này đều không đúng! Làm sao mà năm tới có thể giống hệt như năm trước được?
Em có nhận ra, cùng một chỉ tiêu, mỗi người với kinh nghiệm trong quá khứ khác nhau thì suy nghĩ sẽ khác nhau và cảm giác sẽ khác nhau không? Vậy suy nghĩ nào đúng? Cảm giác nào đúng?
Hãy nhận ra, cảm giác áp lực của em đến từ những giới hạn quá khứ. Em lớn lao hơn thế. Ngay giây phút, em quyết định dũng cảm vượt qua bóng ma quá khứ ấy. Một tiếng gầm vang trỗi dậy, nỗi sợ hãi bị bỏ lại, em cho phép bản thân mình một cơ hội lớn để thách thức giới hạn của chính mình.
Đây chính là con đường đấu tranh nội tâm mà tất cả những người thành công phải đi qua. Họ không nắm chắc được tương lai, chẳng ai nắm chắc được tương lai cả, họ chỉ đơn giản là vượt thoát quá khứ và sống trọn vẹn với phút giây hiện tại.
Khởi đầu của lãnh đạo bản thân là nhận lãnh trách nhiệm phát triển chính mình. Không ai làm thay ta được.