Tỉnh Lào Cai xác định mục tiêu đến năm 2030, tỉnh trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Địa phương này đang nỗ lực xây dựng khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Lào Cai thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh, phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng một KKT năng động, phát triển bền vững.
Theo quy hoạch chung của Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã cho triển khai lập các quy hoạch chi tiết các Khu chức năng trong Khu KTCK, trong đó có các Khu chức năng về đô thị, về Logistic dịch vụ hậu cần, về KCN gia công chế biến đóng gói hàng hóa XNK, công nghiệp, thương mại dịch vụ phức hợp...
Theo Phó Trưởng Ban KKTCK tỉnh Lào Cai ông Hà Đức Thuận, đến nay, cơ bản các quy hoạch chi tiết các Khu chức năng đã được hoàn thiện. UBND tỉnh đang giao các ngành đề xuất phương án đền bù giải phóng mặt bằng để có quỹ đất giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án trong năm 2022. Tại các KCN và khu KTCK đã thu hút được 279 dự án với 38.000 tỷ đồng, trong đó có: 248 dự án đi vào hoạt động, 02 dự án xây dựng, 3 dự án đang hoàn thiện thủ tục; 13 dự án đang dừng thực hiện; 06 dự án đã chấm dứt và thu hồi.
“Với các khu chức năng chính được chủ yếu tập trung từ Kim Thành - Bản Vược bám dọc sông Hồng đối đẳng với phía bạn Trung Quốc đã xây dựng xong khu hợp tác kinh tế qua biên giới là một trong những điều kiện rất thuận lợi để Lào Cai kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư”, ông Hà Đức Thuận nhấn mạnh.
Được biết, hầu hết các dự án thu hút trong các KCN, KKTCK trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa (90%), dự án có quy mô lớn (10%). Các dự án có quy mô lớn chủ yếu tập trung tại KCN Tằng Loỏng với các mục tiêu đầu tư về luyện kim, hóa chất, phân bón…
Ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng ban Quản lý KKTCK tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đang có các nhà máy sản xuất PP vàng, vàng, bạc, đồng, sản xuất chế biến hoa quả, dược liệu… Trong giai đoạn tới, Lào Cai sẽ hình thành các KCN sản xuất chế biến sâu các dự án sản xuất các sản phẩm sau Vàng, Bạc, đồng, sản xuất dược liệu, sơ chế rau củ quả… tạo ra chuỗi các KCN xanh như định hướng của Chính phủ.
“Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực xây dựng kế hoạch thí điểm số hóa ở Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Mục tiêu hướng tới công khai, minh bạch các hoạt động quản lý tại cửa khẩu, thúc đẩy cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn. Trong trung hạn, tỉnh xây dựng cửa khẩu quốc tế Lào Cai thành mô hình thông minh, mở rộng giao thương qua kết nối số. Đối với KCN, hiện đang nghiên cứu để số hoá công tác quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp”, ông Thuận thông tin.
Trong thời gian tới, KKTCK tỉnh Lào Cai sẽ tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu; hoàn thiện nâng cấp hạ tầng tại các cửa khẩu (nhà liên ngành, kho tàng, bến bãi,...). Đồng thời, đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành thống nhất 2 nước để nâng cấp một số cửa khẩu phụ thành cửa khẩu song phương và cửa khẩu quốc tế, duy trì hoạt động các lối mở và chợ biên giới. Hình thành thêm 2-3 KCN gia công, chế biến đóng gói hàng hoá xuất nhập khẩu. Xây dựng và phát triển một số khu đô thị vệ tinh của cửa khẩu là các đô thị hiện đại, đối đẳng với phía bạn. Phát triển một số khu du lịch tâm linh trong KKT cửa khẩu như Đền Thường, Đền Mẫu, Lũng Pô, Ý Tý,… để thu hút khách du lịch vào KKT cửa khẩu…
Hiện, Lào Cai tập trung thu hút nguồn vốn doanh nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng trong KKT để thu hút nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo công khai minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nghiên cứu các chính sách ưu đãi của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường hoạt động có hiệu quả của tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có năng lực tài chính đầu tư vào khu KTCK.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới, bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động đối ngoại giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để phát triển thương mại biên giới, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
KKTCK tỉnh Lào Cai có diện tích 16.000ha, được chia theo các khu chức năng: tại KCN Bắc Duyên Hải: 64 dự án; KCN Đông Phố Mới: 41 dự án; KCN Tằng Loỏng 28 dự án; Khu vực cửa khẩu quốc tế Kim Thành 25 dự án và 121 dự án tại các khu vực còn lại trên địa bàn các phường, các xã của 04 huyện và Thành phố Lào Cai. Tổng diện tích đất cho thuê là 1.112,74 ha. |
Có thể bạn quan tâm