Lào Cai đã và đang phát huy tốt vai trò “cầu nối” kinh tế, văn hóa, mở ra không gian phát triển rộng lớn và đầy tiềm năng cho vùng và cả nước.
Đó là chia sẻ của ông TRỊNH XUÂN TRƯỜNG – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai với DĐDN.
>> Thành công của doanh nghiệp là sự phát triển của Lào Cai
Với vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, có thể nói Lào Cai có đủ điều kiện trở thành trung tâm động lực liên kết vùng; là trung tâm kinh tế, đối ngoại trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là trung tâm trung chuyển giữa các tỉnh của Việt Nam, ASEAN với thị trường Vân Nam và vùng Tây Nam của Trung Quốc.
Lào Cai là tỉnh duy nhất trong toàn quốc có đầy đủ các loại hình giao thông kết nối với biên giới ngay tại trung tâm tỉnh lỵ. Đặc biệt, Dự án Cảng Hàng không Sa Pa đang được tập trung triển khai, với quy mô tiêu chuẩn là sân bay dân dụng cấp 4C, công suất trên 1,5 triệu hành khách/năm; dự kiến đến năm 2024 hoàn thành (giai đoạn 1) đưa vào sử dụng, đến năm 2025 tiếp tục hoàn thiện các hạng mục của dự án đạt công suất tối thiểu 3 triệu hành khách/năm, định hướng là Cảng Hàng không quốc tế.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với diện tích gần 16.000 ha, nằm dọc toàn bộ chiều dài biên giới, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 8 khu kinh tế đầu tư trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đó, Lào Cai còn có nhiều lợi thế so sánh đặc biệt khác, thuận lợi cho kết nối vùng và thu hút đầu tư. Đó là, khu du lịch quốc gia Sa Pa, đỉnh Fansipan - “Nóc nhà Đông Dương” là địa danh du lịch cả thế giới biết đến...
Lào Cai giàu tài nguyên khoáng sản, có 35 loại khoáng sản khác nhau với hơn 150 điểm mỏ có giá trị công nghiệp, trong đó có nhiều loại khoáng sản quý, có chất lượng cao, trữ lượng lớn hàng đầu Việt Nam, như apatit, sắt, đồng, graphit, đất hiếm...
Để trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc theo tinh thần của Nghị Quyết 11-NQ/TW, tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng các Nghị quyết, Đề án, Quy hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực với những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, trước hết, tỉnh điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành, lĩnh vực kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển xanh gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trường xanh.
Thứ hai, xây dựng Lào Cai thành một trong những trung tâm Logistic quan trọng của cả nước. Xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ logistic đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực, có năng lực tập trung, điều phối hàng hoá giữa các nước ASEAN với thị trường Tây Nam - Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2030, tổng kim ngạch XNK các loại hình đạt 50 tỷ USD.
Thứ ba, xây dựng Lào Cai trở thành hạt nhân du lịch của vùng và cả nước, đưa Lào Cai trở thành cầu nối du lịch quan trọng, thực hiện liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước, bảo đảm đủ năng lực đón 15 đến 20 triệu du khách vào năm 2030.
Thứ tư, phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước nhất là các loại khoáng sản có trữ lượng lớn của vùng và cả nước, như: Apatit, Đồng, Sắt…
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng, đột phá là hạ tầng giao thông và hạ tầng chuyển đổi số...
Mỗi địa phương trong vùng đang nỗ lực phát triển kinh tế xanh theo hướng đi riêng, trên cơ sở phát huy thế mạnh mỗi địa phương.
Với Lào Cai, cùng với tập trung ưu tiên ưu tiên nguồn lực cho phát triển xanh gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trường xanh, Lào Cai cũng chú trọng công tác bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên...
Lào Cai nằm tại vị trí đầu nguồn sông Hồng, có tỷ lệ che phủ rừng gần 60% với 01 Vườn Quốc gia, 02 Khu bảo tồn thiên nhiên giữ vai trò phòng hộ đầu nguồn xung yếu của lưu vực sông Hồng. Vì vậy, để phát triển "Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện”, tỉnh Lào Cai xác định phải điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển từng ngành kinh tế với mục tiêu xuyên suốt là: “Giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ nhân dân, giữ biên giới” để vừa ổn định nguồn sinh kế cho đồng bào, vừa góp phần phát triển bền vững cho cả vùng.
Có thể bạn quan tâm