Để bước lên nấc thang của giá trị gia tăng cao, Việt Nam cần lực lượng lao động có nhiều kỹ năng tinh xảo hơn.
Khuyến nghị này được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại báo cáo mới đây.
Phát triển vốn nhân lực
Vì lý do đó, WB cho rằng, cải cách cả giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cũng như giáo dục đại học đã trở thành mục tiêu ưu tiên. Và để đạt được hai mục tiêu công bằng và hiệu quả, điều quan trọng là những cơ hội đó phải được cung cấp cho tất cả mọi người một cách có hệ thống theo các giai đoạn trong vòng đời của họ, kể cả đối với nhóm dân tộc thiểu số bị thiệt thòi.
Theo WB, phát triển vốn nhân lực không chỉ giúp củng cố tương lai của cá nhân mà còn là yếu tố quyết định sự thịnh vượng kinh tế của một quốc gia. Tinh thần của con người sẽ tốt hơn khi họ cảm thấy khỏe mạnh và được học hỏi, và các quốc gia có nhiều vốn nhân lực thường tăng trưởng nhanh hơn và toàn diện hơn, đặc biệt là trong dài hạn.
“Trên cả hai lĩnh vực này, Việt Nam đã làm xuất sắc. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có điểm cao nhất về Chỉ số vốn nhân lực theo Ngân hàng Thế giới. Điều này phản ánh những thành tựu lớn trong giáo dục phổ thông và y tế trong hai thập kỷ qua. Do đó, phát triển vốn nhân lực được ước tính đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2000 – 2017”. – WB cho biết.
Tuy nhiên, WB cũng cho rằng, thành công trong quá khứ không đảm bảo thành công trong tương lai. Trong những năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu tiến lên nấc thang của giá trị gia tăng thông qua sản xuất hàng hóa và dịch vụ phức tạp hơn. Điều này sẽ đòi hỏi những kỹ năng mà lực lượng lao động trong nước hiện chưa có.
Một nhân tố quan trọng tạo nên thành công của Việt Nam là khả năng mang đến cơ hội cho đại đa số dân chúng, vì những tiến bộ trong các chỉ số giáo dục và y tế đã gần như phổ cập. Tuy nhiên, khoảng 9 triệu người vẫn đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực, chủ yếu là do khác biệt trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế giữa các nhóm dân tộc.
Cải thiện hệ thống giáo dục
Từ thực trạng này, WB đề xuất các khuyến nghị như cần cải thiện hệ thống giáo dục bằng cách tạo ra mối quan hệ đối tác thực sự giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài, để thanh niên có thể dựa vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiệu quả cũng như giáo dục đại học với chi phí nằm trong khả năng chi trả được nhằm đáp ứng được nhu cầu đang tăng lên của khu vực tư nhân.
Đồng thời, để tránh nguy cơ các nhóm thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bị gạt ra bên lề, cần có một cách tiếp cận toàn diện và đa chiều để hỗ trợ họ trong tất cả các giai đoạn của vòng đời, bắt đầu từ dinh dưỡng trong giai đoạn mới sinh cho đến khi trưởng thành.
Có thể thấy, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để trở thành một trong những quốc gia thu nhập trung bình có mức phát triển nguồn nhân lực cao nhất. Theo WB, một trẻ em Việt Nam ngày nay có nhiều khả năng tốt nghiệp tiểu học với trình độ tiếng Việt và toán cao, và có 63% cơ hội đạt được tiềm năng của mình trong thị trường việc làm. Một trẻ em Việt Nam sẽ có tuổi thọ trung bình là khoảng 75 tuổi, nhiều hơn khoảng 15 năm so với bố mẹ các em hai thập kỷ trước. Điều này tạo ra một cơ sở vững chắc cho tương lai.
Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa sự thịnh vượng của người dân bằng cách tăng thu nhập của người lao động. Việc làm tốt không chỉ là cách trực tiếp nhất để cải thiện thu nhập hộ gia đình, mà còn tạo ra cảm giác thân thuộc, bản sắc xã hội, lòng tự trọng và sự hài lòng cá nhân.
Để tăng thu nhập, người lao động sẽ phải tìm việc làm có năng suất cao và để đảm bảo giữ được việc làm có năng suất cao, họ cần có kỹ năng, hay thường được gọi là vốn nhân lực sản xuất.
Ưu tiên đào tạo kỹ năng
Ở Việt Nam, cũng như mọi nơi khác, các kỹ năng ngày càng quan trọng vì tính chất công việc đã phát triển để đáp ứng với các xu hướng lớn toàn cầu, bao gồm cả thay đổi công nghệ. Thiết lập hoặc duy trì lợi thế cạnh tranh quốc gia trên thị trường toàn cầu đòi hỏi người lao động phải có mức vốn nhân lực cao, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần và các kỹ năng nhận thức, kỹ thuật và hành vi xã hội tiên tiến.
Thực tế cho thấy, ngày nay, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã chuyển sang thế hệ việc làm mới này. Doanh nghiệp đang ngày càng đòi hỏi những công việc tinh vi hơn và sẵn sàng trả tiền công cao hơn nhiều để thu hút những người lao động có thể đáp ứng mong đợi của họ.
Gần một nửa số nhà tuyển dụng trả lời Khảo sát doanh nghiệp năm 2015 đã xác định thiếu “kỹ năng” là một trở ngại đối với hiệu quả kinh doanh, cao hơn 20% so với các nước đang phát triển khác ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Tỷ lệ các công ty xuất khẩu cho rằng thiếu kỹ năng là một hạn chế cao hơn ba lần so với các công ty không xuất khẩu. Các khảo sát về lực lượng lao động giai đoạn 2014 - 2017 cho thấy xu hướng các công việc đòi hỏi các kỹ năng đơn giản đang giảm xuống (ví dụ sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp và bán hàng rong).
Ngược lại, 8 trong số 10 ngành nghề phát triển nhanh nhất đòi hỏi kiến thức cấp cao hơn và phạm vi kỹ năng rộng hơn, bao gồm các công việc trong sản xuất công nghiệp và các dịch vụ hiện đại (như viễn thông, tài chính và vận tải). Do đó, các nhà tuyển dụng đánh giá cao những người lao động được chuẩn bị tốt nhất, ví dụ như những người có khả năng thực hiện công việc phân tích không theo thông lệ được trả lương cao hơn 25% so với những người không thể làm được công việc này.
“Mặc dù không dễ xác định loại kỹ năng nào sẽ cần thiết cho tương lai, nhưng rõ ràng đó là những kỹ năng có được từ bậc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Thực sự có một mối tương quan mạnh mẽ và tích cực giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với thu nhập của người lao động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới”. – báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo của WB, thành công của nền kinh tế đang phát triển nhanh ở Đông Á, như Nhật Bản và Hàn Quốc, thường được giải thích bằng chất lượng giáo dục và kỹ năng sau phổ thông. Như ở nhiều nước khác, tỷ lệ sinh lợi liên quan đến giáo dục ở Việt Nam tăng theo cấp số nhân với số năm mà người lao động đi học ở trường.
Thu nhập cho mỗi năm đi học tăng thêm ước tính khoảng 5%, có nghĩa là một người tốt nghiệp đại học kiếm được trung bình nhiều hơn 43 – 66% so với một người lao động có trình độ học vấn thấp hơn, và có nhiều khả năng đảm bảo được công việc có trả lương hơn.
So với mức bình quân của một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người dưới 2.000 USD, trình độ học vấn của lực lượng lao động Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Theo Khảo sát lực lượng lao động Việt Nam năm 2017, 2 trong 3 lao động ở Việt Nam chưa tốt nghiệp trung học cơ sở.
Đẩy mạnh đào tạo tại chỗ
Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với hầu hết các quốc gia khác ở Đông Á về giáo dục kỹ thuật và đại học. Tỷ lệ nhập học ở giáo dục đại học chỉ ở mức 28% trong năm 2016, thấp thứ ba trong khu vực và thấp hơn Thái Lan khoảng 15%. Một thách thức không kém là chỉ có một phần ba số sinh viên hoàn thành chương trình giáo dục sau phổ thông trung học tốt nghiệp trước tuổi 25.
Ở cấp đại học, câu hỏi cơ bản là cần hiểu tại sao chỉ một số ít sinh viên chọn hoàn thành việc học của mình mặc dù thu nhập sẽ cao hơn. Một câu trả lời là Việt Nam đang đi đúng quỹ đạo, nhưng sẽ mất nhiều thời gian vì hiện nay chỉ có 60% học sinh có thể tốt nghiệp trung học cơ sở. Đoàn tàu giáo dục đang di chuyển tuần tự, nhưng đúng hướng.
Một câu trả lời khác, ít tích cực hơn, là nhiều sinh viên và gia đình họ không nhận được những gì mong đợi từ giáo dục đại học hiện nay. Chi phí học đại học cao, vì hỗ trợ tài chính của chính phủ còn tương đối thấp. Học phí chiếm trên 40% chi phí đào tạo, trong khi ngân sách của chính phủ chỉ dưới 0,5% GDP (và dưới 0,25% nếu không tính học bổng).
Do đó, gánh nặng tài chính thuộc về sinh viên, tương tự như ở Mông Cổ, nhưng lại khác xa mô hình được chọn ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia. Những quốc gia đó phân bổ trên 1% GDP cho giáo dục đại học và sinh viên chỉ phải trả 20-40% chi phí đào tạo. Ở Argentina và Brazil, sinh viên phải trả dưới 20% chi phí đào tạo.
Theo nhìn nhận của WB, chi phí không tương xứng chỉ là một trong nhiều vấn đề. Rốt cục thì sinh viên và gia đình họ ngày càng sẵn sàng trả tiền cho giáo dục sau phổ thông tại các trường đại học tư, vì chất lượng đào tạo cũng là một vấn đề cần chú trọng.
Một lĩnh vực còn đang hạn chế khác là giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Có thể lập luận rằng bước tiếp theo đối với Việt Nam là phát triển lực lượng lao động bán lành nghề, có khả năng thực hiện các công việc tinh xảo hơn nhưng không nhất thiết phải nắm chắc tất cả các công nghệ mới.
Các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, tập trung nỗ lực của mình trước hết vào GDNN và sau đó là giáo dục đại học, đã đi theo trình tự này. Trong những năm 1980 và 1990, Hàn Quốc đã thực hiện một chương trình GDNN đầy tham vọng phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân, mà chính việc đó đã đóng góp tài chính cho sự phát triển này. Tập trung vào GDNN vẫn là ưu tiên ở các nước công nghiệp như Đức, Thụy Sĩ và các nước Bắc Âu.
"Đáng tiếc là hiện nay Việt Nam đang bị tụt hậu nghiêm trọng về khía cạnh học sinh trung học tham gia vào GDNN. Năm 2017, chỉ có 6,4% sinh viên tại Việt Nam đăng ký học GDNN, trong khi tỷ lệ này là 27% ở Hàn Quốc, 45% ở Pháp, 60% ở Đức và 66% ở Thụy Sĩ. Tỷ lệ ở Việt Nam thấp cho thấy mặc dù có nhiều sáng kiến quy mô nhỏ (hoặc thí điểm), nhưng không có một chương trình quốc gia toàn diện và đầy tham vọng của chính phủ và khu vực tư nhân". - WB nhận định.
Từ đó, WB cho rằng, việc tiếp thu các kỹ năng của lực lượng lao động không phải là một sự kiện diễn ra tại một thời điểm mà là một quá trình phát triển trong suốt cuộc đời của người lao động. Với tầm nhìn này, đào tạo tại chỗ trở nên rất quan trọng. Một lần nữa, Việt Nam lại tụt hậu vì năm 2015 chỉ có 22% doanh nghiệp báo cáo có đào tạo chính thức cho người lao động so với gần 40% ở các nước Đông Á. Các doanh nghiệp được khảo sát cho biết khi tổ chức đào tạo, hầu hết các hướng dẫn chỉ giới hạn ở các kỹ năng kỹ thuật liên quan đến công việc.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt trong đào tạo chính quy thường được bù đắp bằng các hoạt động đào tạo không chính thức, vì học và thực hành trực tiếp thông qua công việc dường như là một nguồn phát triển kỹ năng lớn. Một cuộc khảo sát người lao động năm 2011 cho thấy 35% lao động tay nghề thấp đã học được những điều mới từ công việc trong ba tháng gần nhất, và hơn 90% lao động có tay nghề cao cho biết học hỏi được trong khi làm việc.
Có thể bạn quan tâm
19:52, 12/05/2020
06:00, 12/05/2020
07:00, 04/05/2020
14:07, 29/04/2020