Lao động hồi hương: Không để "lạc nhịp" sau đại dịch!

NGUYỄN VIỆT ghi 11/10/2021 05:00

Việc người lao động quay trở về quê là giải pháp cuối cùng, vì họ không còn nguồn sống và thu nhập nếu ở lại thành phố.

PGS.TS. Giang Thanh Long (Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ về “làn sóng” người lao động ở các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch.

PGS.TS. Giang Thanh Long.

PGS.TS. Giang Thanh Long.

Ông bình luận như thế nào về hiện tượng người lao động “hồi hương” tự phát thời gian qua?

Đây là hiện tượng bình thường, vì sau một thời gian dài giãn cách, thậm chí có những thời điểm bị phong tỏa, người lao động đã kiệt quệ vì không còn sinh kế. Ngay cả khi Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ và bản thân các tỉnh, thành phố cũng đã bổ sung các chương trình hỗ trợ thêm, nhưng các khoản hỗ trợ đó không đủ duy trì cuộc sống trong một thời gian dài.

Thực tế, có rất nhiều lao động vừa di chuyển tới vùng dịch thì bị giãn cách xã hội, phong tỏa… nên chưa kịp có nguồn sinh kế. Việc quay trở về quê là giải pháp cuối cùng vì họ không còn nguồn sống nếu tiếp tục ở lại thành phố với nhiều khoản phải chi, như thuê nhà, ăn uống, học hành của con cái… trong khi lại không có thu nhập.

Điều lo ngại từ vấn đề này là thiếu hụt nguồn lao động nếu họ không quay trở lại, thưa ông?

Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại trong hoạt động phục hồi kinh tế. Đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, đóng cửa… do tác động của đại dịch. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng do chi phí thực hiện “ba tại chỗ” quá lớn so với chi phí hoạt động chung…

Khi người lao động phải làm việc trong điều kiện khó khăn, họ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, thể chất, tinh thần. Nhiều người bỏ việc vì tình trạng sống và làm việc “ba tại chỗ” kéo dài quá lâu.

Người lao động bỏ về quê cũng sẽ cân nhắc quay lại khi hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, nhưng có thể không quay lại ngay bởi họ phải tính toán về nhà ở, học tập của con cái…

Nếu việc quay trở lại của người lao động và nhu cầu lao động cho sản xuất bị “lạc nhịp” thì việc thiếu hụt hoạt động khi phục hồi kinh tế là điều thấy rõ.

Từ hiện tượng lao động “hồi hương” hàng loạt này, theo ông chúng ta cần phải làm gì để không xảy ra nghịch lý nơi thì thiếu lao động, chỗ lại thiếu việc làm khi nền kinh tế mở cửa trở lại?

An sinh xã hội cần phải được xem như chiếc cầu nối, đệm đỡ giữa đảm bảo hoạt động kinh tế với các rủi ro có thể phát sinh về kinh tế, sức khỏe, xã hội… như đang xảy ra với đại dịch COVID-19. Bảo đảm an sinh xã hội cũng là giải pháp để chuỗi lao động không đứt gãy.

Hiện tượng lao động di cư hồi hương như hiện nay lại càng cho thấy sự cần thiết của việc mở rộng hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội – cả bắt buộc và tự nguyện với người lao động để khi có các cú sốc lớn trong tương lai như COVID-19 thì họ vẫn có thể duy trì cuộc sống.

Người dân đổ về quê tránh dịch vì không còn nguồn sống và thu nhập.

Người dân đổ về quê tránh dịch vì không còn nguồn sống và thu nhập.

Thiết kế của hệ thống phải đảm bảo được nguyên tắc 3A, đó là khả năng tiếp cận (Accessibility), khả năng chi trả (Affordability) và mức thụ hưởng phù hợp (Adequacy) để mọi người lao động có thể nhận được an sinh xã hội khi cần.  

Trong tình hình hiện nay, việc hồi hương của hàng ngàn lao động cũng có thể là thách thức với chính quyền địa phương trong tạo việc làm bởi kỹ năng, kinh nghiệm của những lao động này lại có thể không phù hợp với các hoạt động kinh tế, ngành, nghề hiện có ở địa phương.

Do đó, các địa phương cần sớm có được các giải pháp đồng bộ để một mặt hỗ trợ người dân về quê ổn định cuộc sống và mặt khác là có phương án hỗ trợ người lao động trở lại làm việc ở những nơi họ rời bỏ để về quê. Người ở lại cần được hỗ trợ đào tạo lại nghề để tìm được việc làm mới hoặc các công việc phù hợp với kỹ năng, kiến thức.  

Ông có gợi ý gì cho hoạch định chính sách tới đây, khi nhìn từ hiện tượng làn sóng người lao động về quê tránh dịch?

Một khi hoạt động kinh tế được phục hồi dần thì thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp chính là thiếu hụt lao động do nhiều người lao động đã bỏ về quê. Điều này một lần nữa cho thấy rất cần có sự đồng bộ của các chính sách trong việc thu hút lao động quay trở lại làm việc.

Ví dụ, chính quyền các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp để tạo điều kiện và hỗ trợ các vấn đề liên quan tới gia đình người lao động, như nhà ở, trường học, lớp học… khi quay trở lại tỉnh, thành phố đã làm việc hoặc ngay tại quê nhà mà họ đã hồi hương.

Đồng thời, cải thiện quy trình kiểm soát dịch đối với lao động di chuyển từ nơi ở tới nơi làm việc để tránh những phí tổn xét nghiệm không cần thiết. Hỗ trợ các doanh nghiệp giảm các chi phí sản xuất, vận hành, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn đóng BHXH… trong một thời gian nhất định để doanh nghiệp có thêm “dư địa tài chính” trong việc đảm bảo và mở rộng hoạt động sản xuất và từ đó ổn định việc làm cho người lao động. 

-Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • "Phiên chợ 0 đồng" Đà Nẵng tiếp sức người về quê tránh dịch

    11:00, 10/10/2021

  • LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Về quê rồi sao nữa?

    06:00, 09/10/2021

  • Sau ngày 10/10 Thái Bình sẽ đón công dân về quê

    21:29, 08/10/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đảm bảo người dân có nhu cầu về quê được đưa, đón an toàn

    20:55, 08/10/2021

  • TP HCM: Dòng người tự phát về quê "ùn ứ" ở cửa ngõ thành phố

    15:05, 01/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lao động hồi hương: Không để "lạc nhịp" sau đại dịch!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO