Chiều 13/11, Quốc hội đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) với đa số đại biểu tán thành, Luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.
Trước đó, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của UB Thường vụ Quốc hội (do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ký) nêu vấn đề, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định cụ thể chính sách về bảo đảm bình đẳng giới, có các biện pháp hỗ trợ lao động nữ, lao động làm những công việc nhạy cảm có khả năng bị xâm hại; quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi người lao động về nước đảm bảo tính khả thi, tránh lãng phí ngân sách.
Tiếp thu ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung tại điểm e khoản 2 Điều 26 của Dự thảo luật quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ phải có nhân viên nghiệp vụ “đủ năng lực” quản lý và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; “bảo đảm cung cấp trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần đến các hỗ trợ pháp lý khi bị lạm dụng, bạo lực hoặc phân biệt đối xử trong quá trình làm việc ở nước ngoài”.
Dự luật đồng thời cũng được bổ sung nội dung giáo dục định hướng tại điểm i và k khoản 1 Điều 65 để bảo đảm người lao động được cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về vấn đề cưỡng bức lao động, phòng, chống buôn bán người, bình đẳng giới, lạm dụng tình dục, bạo lực giới và các kỹ năng phòng ngừa; về bảo hộ công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và những vấn đề cần phòng ngừa trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, nhiều chính sách đối với người lao động sau khi về nước như hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp, tập huấn nghề nghiệp, kỹ năng… cũng được chú trọng.
Cũng hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, UB Thường vụ cũng nêu nguyên tắc được nhấn mạnh trong những hành vi bị cấm là việc thu tiền môi giới để đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Báo cáo giải trình nêu thêm, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định liên quan người lao động phải đóng tiền dịch vụ. Thường vụ báo cáo, thực tiễn đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho thấy, trong bối cảnh cung - cầu lao động quốc tế, có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với lao động Việt Nam, trong đó năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam không cao do chất lượng lao động của Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông.
Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn hạn chế, thường không trực tiếp ký kết được hợp đồng cung ứng lao động với người sử dụng lao động tại nước tiếp nhận lao động mà phải qua tổ chức, cá nhân trung gian. Do đó, số tiền mà doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ người sử dụng lao động ở nước tiếp nhận lao động thường chưa đủ bù đắp cho các chi phí cung cấp dịch vụ để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (như hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động và quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài…).
Do vậy, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn phải trả cho doanh nghiệp tiền dịch vụ.
UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, về lâu dài, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các doanh nghiệp dịch vụ cần phải nâng cao năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh để khai thác thị trường, đàm phán để ký kết được các hợp đồng cung ứng lao động có chất lượng, giảm tối đa chi phí tiền dịch vụ cho người lao động và tiến tới người lao động không phải chi trả tiền dịch vụ để đi làm việc ở nước ngoài theo tinh thần khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Trước mắt, để công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn tiếp tục triển khai bình thường, quy định về tiền dịch vụ vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, để bảo đảm công khai, minh bạch, luật cũng đã quy định về tiền dịch vụ và quy định chặt chẽ các nguyên tắc thu tiền dịch vụ; mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp được thu từ người lao động. Trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ mà hai bên đã thỏa thuận.
Ngoài ra, luật cũng có nội dung quy định về tiền dịch vụ được bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả trong hợp đồng cung ứng lao động.
Một nội dung đáng chú ý khác của luật là về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Cơ quan giải trình, tiếp thu cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về việc phân bổ, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cho các địa phương để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật của Việt Nam cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, về thị trường lao động tại nước ngoài và các chính sách, quy định pháp luật của nước tiếp nhận lao động, mở rộng và phát triển thị trường lao động ở nước ngoài.
Theo UB Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng và chi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước phải căn cứ vào nguyên tắc đóng và đối tượng đóng; dự thảo Luật đã không còn quy định Nhà nước đóng góp vào Quỹ này và chỉnh lý quy định các trường hợp, nội dung hỗ trợ cụ thể đối với người lao động, đối với doanh nghiệp dịch vụ để tránh trùng lặp với việc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mới chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.
Có thể bạn quan tâm
Quốc hội chưa điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2021
16:00, 12/11/2020
Trình Quốc hội nhân sự Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng KH-CN, Thống đốc NHNN
16:28, 11/11/2020
Quốc hội tranh cãi nảy lửa có nên tách Luật Giao thông đường bộ?
16:07, 11/11/2020
Chốt tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%: Quốc hội quyết tâm phục hồi kinh tế
09:10, 11/11/2020