Ngày 15/8 tới, chính sách visa mới của Việt Nam chính thức có hiệu lực. Đây là tín hiệu mà toàn ngành du lịch đều mong chờ và mở ra cơ hội lớn về việc làm đối với nguồn nhân lực du lịch.
>> Nhân lực du lịch chất lượng cao
Đó là chia sẻ của bà Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Bà có nhận định ra sao từ những cơ hội về chính sách visa sắp có hiệu lực, đặc biệt đối với thị trường lao động du lịch, thưa bà?
So với các nước trong khu vực và thế giới, một trong những “điểm nghẽn” chính khiến du lịch Việt Nam kém cạnh tranh là những quy định về xuất, nhập cảnh còn khá khắt khe. Trong khi đó, những thủ tục về thị thực, đôi khi là yếu tố quyết định để khách có tới một điểm đến nào đó hay không và có lưu trú lại lâu hay không.
Chính vì thế, chính sách thị thực mới, cởi mở hơn của Việt Nam được coi là cú hích đối với việc thu hút khách quốc tế thời gian tới, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.
Với “độ mở” về chính sách, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á. Đây chắc chắn mở ra vô vàn cơ hội với thị trường lao động ngành du lịch và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá từ các tổ chức du lịch uy tín hay các nhà hàng được gắn sao Michelin - Giải thưởng danh giá trên trong làng ẩm thực thế giới là cơ hội để quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, bài toán rất lớn cần đặt ra cho chúng ta ngay lúc này là làm thế nào để cân bằng giữa cung – cầu đối với nguồn lao động du lịch hiện nay. Đặc biệt, sau dịch bệnh COVID-19, chúng ta vẫn đang đối diện với “lỗ hổng” trong nhân sự và các chương trình đào tạo nguồn nhân sự chất lượng cao.
- Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến cho cung và cầu của lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch “gặp” nhau?
Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực ngành du lịch hiện nay, tôi cho rằng, thứ nhất, nhiều học sinh cho rằng đây là một nghề thu nhập thấp, vất vả, không có địa vị xã hội cao nên không muốn theo nghề.
Thứ hai, ngành du lịch không đơn thuần bán các gói nghỉ dưỡng, lưu trú mà phải “bán” cả trải nghiệm và cảm xúc. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch cần nhân sự được đào tạo bài bản và có trình độ nguồn nhân lực ngành du lịch đòi hỏi chuyên môn cao, bao gồm kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp. Với những cơ sở du lịch dịch vụ cao cấp, nhân sự phục vụ khách nước ngoài, hoạt động đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam cần đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Thứ ba, chi phí đầu tư cơ sở đào tạo tương đối cao dẫn đến nhiều trường học không đảm bảo về cơ sở vật chất, tạo môi trường quá trình học tập và thực hành cho các bạn sinh viên.
Thứ tư, chúng ta chưa thực sự chú tâm vào việc đào tạo nhân lực du lịch. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp du lịch “chịu chi” để đầu tư cho sản phẩm du lịch nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đầu tư cho chi phí đào tạo, chi phí về lương cho người lao động.
Đây là những nguyên nhân cần sớm được điều chỉnh khắc phục để lấp “khoảng trống” thiếu nhân sự du lịch, giải bài toán về tình trạng mất cân bằng cung - cầu.
- Để đáp ứng nhu cầu du lịch với muôn vàn cơ hội và sự vận động thay đổi không ngừng hiện nay, các cơ sở giáo dục đào tạo cần có những đổi mới gì trong chương trình đào tạo, thưa bà?
Việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần sự tham gia tích cực, bắt tay chặt chẽ và đóng góp hiệu quả giữa ba nhà là Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh mở cửa và các dự án khách sạn nghỉ dưỡng hồi phục, Việt Nam đón nhận cơ hội rộng mở cho các vị trí quản lý cấp cao và cơ hội việc làm với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng quốc tế.
Cụ thể, về phía các cơ sở đào tạo, cần phải chuẩn hoá và quốc tế hóa chương trình đào tạo nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố nhu cầu thực tiễn. Đây sẽ là xu hướng mà nhiều cơ sở đào tạo về du lịch và khách sạn trong nước theo đuổi.
Với nhà tuyển dụng, các cơ sở đào tạo cần hợp tác, kết nối với nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế để thiết kế chương trình, hoạt động đào tạo để ngày càng nâng cao trình độ của các bạn sinh viên. Từ đó, chúng ta sẽ luôn cập nhật được những xu hướng mới, những kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp nhằm đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo được “đầu ra” cho các bạn sinh viên khi ra trường.
Về phía các cơ quan quản lý, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, đánh giá toàn diện về hệ thống cơ sở đào tạo du lịch phù hợp yêu cầu phát triển ngành. Đồng thời, tham khảo hệ thống đào tạo, đưa vào chương trình đào tạo kiến thức về các loại hình du lịch mới ở những nước có ngành du lịch phát triển, bảo đảm cơ cấu đào tạo du lịch ở các cấp hợp lý, phù hợp với chuẩn mực chung của khu vực và quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm