Đó là thông điệp của ông Hà Lê Dũng – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nghệ An tại “Hội nghị công bố kết quả cải cách hành chính (CCHC) và đối thoại doanh nghiệp năm 2019”.
Trong những năm qua, ngành Thuế là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác CCHC. Điều này được minh chứng bằng những kết quả khả quan về mức độ thuận lợi về thuế qua các năm do tổ chức, cá nhân trong nước đánh giá; không những vậy, các tổ chức quốc tế xếp hạng về môi trường kinh doanh cũng thừa nhận và đánh giá cao.
Ông Hà Lê Dũng cho biết, mặc dù Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực trong CCHC, cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế, nhưng so với kỳ vọng thì đang còn nhiều việc phải làm.
Trong Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính ngành Thuế Nghệ An về mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019 do Chi nhánh VCCI Nghệ An thực hiện, có trên 80% doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính thuế đơn giản, dễ hiểu; hơn 82% doanh nghiệp đánh giá chất lượng phục vụ của ngành thuế tốt; 72,2% đánh giá “tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Ông Phí Trọng Đức – Giám đốc Chi nhánh VCCI Nghệ An cho biết, mục tiêu tổng thể của cuộc khảo sát năm 2019 nhằm cung cấp thông tin tham khảo cho Cơ quan Thuế nghiên cứu, rút kinh nghiệm cho những CCHC thuế trong thời gian tới thông qua việc tổng hợp đánh giá của doanh nghiệp về nỗ lực cải cách TTHC của Cơ quan Thuế; tổng hợp những vướng mắc, kiến nghị từ phía doanh nghiệp đối với việc cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế; đánh giá và so sánh chất lượng hoạt động của các Chi cục thuế địa phương.
Mặc dù có nhiều cố gắng đáng ghi nhận, song Cơ quan Thuế Nghệ An cũng nhận được không ít những ý kiến khác. Về Chỉ số tiếp cận thông tin, một số doanh nghiệp phản ánh, khi phát sinh lĩnh vực kinh doanh mới, doanh nghiệp yêu cầu hướng dẫn về các chính sách thuế, lĩnh vực áp dụng thực hiện… thì nhận được những câu trả lời chung chung, thiếu trọng tâm từ các Chi cục Thuế; về Chỉ số thực hiện các TTHC, việc miễn giảm thuế TNDN cho các doanh nghiệp nằm trong diện được miễn giảm thuế còn có chỗ bất cập, chưa rõ ràng, dẫn đến việc thiếu thống nhất giữa Cơ quan Thuế và doanh nghiệp trong cách giải quyết.
Một số doanh nghiệp cho rằng, việc sử dụng hóa đơn điện tử bước đầu còn nhiều vướng mắc, ngành Thuế nên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa, tránh những sai sót trong quá trình kinh doanh…; bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra còn có nhiều nội dung trùng lặp, ví dụ: Cơ quan Thuế đã kiểm tra quyết toán thuế của năm rồi, nhưng khi có đoàn thanh tra liên ngành đến làm việc thì vẫn kiểm tra lại nội dung trước đó.
Hơn nữa, việc thanh, kiểm tra thường bị kéo dài thời gian vì nhiều lý do, trong đó việc doanh nghiệp bị yêu cầu bổ sung giấy tờ chứng minh là thủ tục gây phiền hà nhất, điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp đã nộp thuế 2% GTGT tại địa phương. Việc hướng dẫn thiếu thống nhất giữa các đoàn kiểm tra trước và sau cũng làm cho không ít doanh nghiệp lúng túng. Doanh nghiệp cũng cho rằng, tại các cuộc đối thoại thuế, nhiều kiến nghị, vướng mắc từ các doanh nghiệp đã được ngành Thuế trả lời rõ ràng, chi tiết. Tuy nhiên, không ít kiến nghị vẫn chưa được xử lý tận cùng của vấn đề, doanh nghiệp mong ngành Thuế quan tâm, chú trọng hơn nữa trong công tác này.
Lý giải những vấn đề này, ông Hà Lê Dũng cho biết, ông rất cám ơn và ghi nhận những đánh giá kịp thời và có tính xây dựng từ các doanh nghiệp, người nộp thuế. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng nên hiểu và thông cảm cho ngành Thuế, Cơ quan Thuế và công chức thuế chỉ được phép làm những gì mà pháp luật cho phép, doanh nghiệp lại được làm những gì mà pháp luật không cấm. Với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm động lực để phát triển, ngành Thuế Nghệ An đang rà soát lại những gì đã làm được, những gì tốt và chưa tốt để có các giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tập trung vào ứng dụng CNTT giúp đơn giản hóa TTHC thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, giảm thiểu tương tác giữa Cơ quan Thuế và người nộp thuế, giảm tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người nộp thuế. Ngành Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI và các Hiệp hội Doanh nghiệp địa phương tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử cho công, viên chức ngành Thuế; xây dựng phần mềm kiểm tra, kiểm soát các hành vi của Cơ quan Thuế với người nộp thuế. “Chúng tôi cần biết là cơ quan thuế đang ở đâu, làm gì, đó chính là thước đo quan trọng trong CCHC thuế. Chúng tôi cũng biết, trong giai đoạn này các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn, ngành Thuế luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ nhưng doanh nghiệp phải làm đúng và tuân thủ pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Cục Thuế tỉnh Nghệ An, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2019 đạt 10.024 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 92% dự toán Trung ương, 85% dự toán HĐND tỉnh, trong đó cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất. Hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn đều có tiến độ thu đạt khá.