Được tổ chức thường niên từ 2014, Lễ hội Hoa Ban trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước.
Sau 5 năm tổ chức thường niên, Lễ hội Hoa Ban đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các tỉnh thành như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận và đặc biệt là ba tỉnh Bắc Lào. Lễ hội góp phần tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, khẳng định vị thế, vai trò, mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết, hữu nghị, tạo sự liên kết chặt chẽ để phát triển kinh tế giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh, thành trong nước và các tỉnh Bắc Lào.
Tạo sự khác biệt
Trao đổi với DĐDN về Lễ hội Hoa Ban, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, việc tổ chức Lễ hội nhằm từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Điện Biên gắn với Hoa Ban, đưa “Lễ hội Hoa Ban” trở thành hoạt động đặc trưng, sản phẩm du lịch độc đáo riêng có cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên, qua đó thúc đẩy du lịch Điện Biên phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, vận động nhân dân nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ cây Hoa Ban, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, giúp cho người dân hiểu biết để khai thác sản phẩm du lịch, đặc biệt là khai thác du lịch văn hóa cộng đồng của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
03:46, 16/03/2019
12:24, 12/03/2019
00:04, 03/02/2019
19:13, 12/01/2019
11:25, 11/01/2019
Với chiến lược phát triển cây Hoa Ban trở thành sản phẩm du lịch, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng ban tổ chức Lễ hội hoa Ban 2019 chia sẻ, ngoài việc đổi mới các nội dung hoạt động trong Lễ hội, Điện Biên đã chủ trương phát triển rừng Ban và diện tích trồng hoa Ban, hoa Anh Đào trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025. Theo đó, ngày 10/9/2018 Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã có Nghị quyết số 17-NQ/TU nhằm hiện thực hoá mục tiêu về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên, đồng thời phát triển cây hoa Ban, cây hoa Anh Đào trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phương châm của Lễ hội Hoa Ban là hướng về cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, tạo điều kiện cho người dân và du khách được thưởng thức, tham gia và trải nghiệm trực tiếp. Vai trò của đội ngũ diễn viên quần chúng, nghệ nhân dân gian được nâng cao.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020 bảo vệ và phát triển 400 ha rừng hoa Ban tự nhiên, thực hiện trồng mới 30.000 cây hoa Ban trên các tuyến phố, tuyến đường chính, tuyến đường nhánh, các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, khuôn viên công sở, trường học…
Trồng tập trung 100 ha cây hoa Ban tại các điểm di tích lịch sử, các điểm gần đường giao thông thuận lợi cho hoạt động thăm quan, ngắm cảnh, qua đó tạo cảnh quan độc đáo và hứa hẹn thời gian tới sẽ trở thành những con đường Hoa Ban phục vụ đồng bào và du khách, tạo nên ấn tượng khó quên về một “miền hoa Ban”.
Sôi nổi, rực rỡ sắc màu - hào hùng những tháng năm lịch sử
Đánh giá về Lễ hội Hoa Ban, ông Dũng tâm sự, lượng khách đến Điện Biên trong dịp Lễ hội Hoa Ban tăng từ 20 - 25% mỗi năm, riêng năm 2018, trong 5 ngày Lễ hội (từ 16-20/3) có khoảng 80.000 lượt khách, tăng 14,2%, trong đó khách quốc tế đạt 4.600 lượt, tăng 53% so với năm 2017. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 40 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2017.
Cũng theo ông Dũng nhận định, Lễ hội Hoa Ban lần thứ 6 năm 2019 lượng khách sẽ tăng đột biến bởi, Lễ hội được tổ chức cùng với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VI, là sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh Điện Biên, tiêu biểu như: 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2019), 110 năm thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2019), 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2019). Lễ hội và Ngày hội được tổ chức vào tháng 3 - gắn liền với sự kiện mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (13/3/1954).
“Với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng lịch sử của miền đất Điện Biên Phủ anh hùng, linh thiêng, Lễ hội và Ngày hội sẽ tạo nên một không gian lễ hội cộng đồng sôi nổi, rực rỡ sắc màu hòa chung với không khí hào hùng của những tháng năm lịch sử”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo đại diện Ban tổ chức, Lễ hội Hoa Ban năm 2019 sẽ diễn ra từ 13-18/3, đêm khai mạc dự kiến vào ngày 16/3, không gian tổ chức các hoạt động chính của Lễ hội là khu vực trung tâm TP Điện Biên Phủ (Quảng trường 7/5) gắn với các di tích, công trình văn hóa, địa điểm sinh hoạt chính trị, văn hóa tiêu biểu của tỉnh như Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... với chương trình nghệ thuật chủ đề “Hoa Ban rạng rỡ đất Mường Thanh”, cùng màn pháo hoa hoành tráng kết thúc đêm khai mạc.
“Mỗi năm, chương trình nghệ thuật khai mạc sẽ được dàn dựng theo một ý tưởng, đề tài riêng. Điều đó không chỉ giúp khán giả luôn được thưởng thức cái mới, cái đẹp mà còn tạo nên những góc nhìn, góc khai thác mới về lịch sử, văn hóa mảnh đất, con người Điện Biên” - ông Dũng nói.
Đặc biệt, năm nay cuộc thi Người đẹp Hoa Ban năm 2019 (lần thứ 2 tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức) sẽ không chỉ là dịp phô diễn vẻ đẹp dung mạo, trí tuệ và tâm hồn của các thiếu nữ Điện Biên - Tây Bắc mà còn là dịp để giao lưu với người đẹp các tỉnh Bắc Lào, người đẹp một số tỉnh phía Bắc Việt Nam như Phú Thọ, Hà Giang…ngoài ra, chương trình diễu hành đường phố chủ đề “Đêm hội hoa Ban” được diễn ra trong không gian một số tuyến đường chính, trung tâm thành phố Điện Biên Phủ.