Lego - Mảnh ghép lớn trong bức tranh hút vốn đầu tư ESG của Việt Nam

NGUYỄN LONG 11/12/2021 05:00

Theo chia sẻ của Đại sứ Vương quốc Anh, một lý do quan trọng là Lego có thể xây nhà máy trung hoà carbon, sản xuất năng lượng mặt trời hướng tới phát triển bền vững.

>>> “Miếng ghép tỷ đô” của LEGO ở Việt Nam

Công nhân trong nhà máy Lego tại Trung Quốc.

"Tinh thần ESG" của Việt Nam

Ngày 10/12, Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức Diễn đàn thường niên  về Quản trị Công ty lần thứ tư năm 2021 (AF4) với chủ đề "Hướng tới tương lai - Vai trò của Hội  đồng quản trị trong ESG và tính bền vững" theo hình thức trực tuyến. Diễn đàn thảo luận chuyên sâu về vai trò của các thành viên HĐQT trong việc định hướng và giám sát các thực hành tốt về Quản trị công ty hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh “thách thức kép” của biến đổi khí hậu và đại dịch  COVID-19.

Năm 2021 là năm bản lề thể hiện bản lĩnh, sức mạnh nội lực của thành viên các Hội đồng quản trị  (HĐQT), Ban điều hành trong việc chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình đi qua năm thứ hai, và  đặc biệt là làn sóng thứ 4, của đại dịch Covid–19. Đối mặt với những thách thức khó lường và bất định, phát triển bền vững và ESG (Quản trị Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp) đã ngày nhận được  sự quan tâm lớn và đưa vào chương trình hành động của HĐQT và Ban điều hành các doanh nghiệp  lớn trên toàn cầu và tại Việt Nam.

Với Chủ đề “Hướng tới tương lai – Vai trò của Hội đồng quản trị trong ESG và tính bền vững”, Diễn đàn  Thường niên về Quản trị Công ty 2021 của Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) là nơi chia sẻ những  hiểu biết sâu sắc hơn về việc cân bằng các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong sự phát triển bền  vững của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã chỉ ra hai lý do chính khiến Lego lựa chọn Việt Nam để mở nhà máy sản xuất. Theo đó, lý do thứ nhất Vị trí địa lý, khi mà Lego mong muốn mở nhà máy tại châu Á nhằm phù hợp nhu cầu tăng trưởng bán lẻ tại thị trường này.

 Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam .

Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam trao đổi tại diễn đàn.

Bên cạnh đó, lý do thứ hai cũng là lí do chính là vấn đề giảm phát thải,” Lego sẽ xây dựng nhà máy nhằm giảm khí thải nhà kính bằng 0. Lego đã đạt thỏa thuận với Bình Dương và chính phủ Việt Nam về vấn đề mua bán điện trực tiếp điện mặt trời, điện tái tạo”, Đại sứ cho biết. “Vì sao điều này quan trọng? Bởi nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Vương Quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam không thể đi ngược xu hướng của thế giới”, Gareth Ward nói thêm.

Được biết, dự án nhà máy của Lego ở Việt Nam sẽ có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, sẽ tập trung xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn, gồm cả phần đầu tư cho sản xuất pin năng lượng mặt trời vào khu đất rộng 44ha ở Bình Dương. Đây là dự án nhà máy chạy bằng năng lượng mặt trời, góp phần vào chiến lược đảm bảo cắt giảm khí thải, phát triển bền vững và tăng sử dụng nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam. Phía Lego khẳng định, khởi động nhà máy ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp Lego mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.

Bên cạnh đó, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam cũng mang đến Diễn đàn các thông tin về kết quả của Hội nghị COP26 và tầm quan trọng của kết quả này đối với doanh  nghiệp Việt Nam. Qua bài chia sẻ của mình, Ngài Gareth Ward đã tái khẳng định tính cấp thiết của việc  cân bằng ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi thành phần tham gia thị trường, trong đó  HĐQT với chức năng định hướng chiến lược trong các doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Phát biểu tham luận với chủ đề “Biến đổi khí hậu và các thách thức cho tính bền vững của doanh nghiệp”, ông Dominic Scriven, Phó Chủ tịch VIOD, Chủ tịch Dragon Capital cho biết: “Giảm phát thải  không phải việc gì xa xỉ mà là việc nhất thiết phải làm”, bởi “Nếu chúng ta không hành động sẽ có rủi ro  ngày một lớn hơn từ biến đổi khí hậu”.

>>> Bình Dương: Tập đoàn Lego đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP

ông Dominic Scriven, Phó chủ tịch VIOD, Chủ tịch Dragon Capital.

Ông Dominic Scriven, Phó chủ tịch VIOD, Chủ tịch Dragon Capital.

Ông chia sẻ: “Chúng ta mong muốn làm người tốt, người thiện  tâm thì từng doanh nhân chúng ta cần tìm hiểu, biết về những rủi ro khí hậu, rủi ro vật chất và rủi ro  chuyển đổi để biết mình cần phải bắt tay vào làm gì. Chúng ta có thể có một nhóm đặc nhiệm liên quan  đến thông tin tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Từ chỗ tìm hiểu được các rủi ro ta có thể quản lý  rủi ro, xây dựng các tham số. Dragon Capital đã đánh giá những rủi ro khí hậu trong những năm qua. Chúng tôi đánh giá kịch bản nếu như chúng ta không làm gì thì sẽ như thế nào”.

Ông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng cần xem xét những kịch bản có thể xảy ra, những thiệt hại tính bằng  tiền, tính tỉ lệ rủi ro hàng năm. Đồng thời các cơ quan quản lý Việt Nam đã và đang tăng cường các quy  định, biện pháp để đảm bảo mục tiêu Môi trường – Xã hội, ví dụ tăng cường tiêu chuẩn công bố thông tin.

Việt Nam - Điểm sáng của nền kinh tế khu vực 

Về tổng quan nền kinh tế Việt Nam, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong khu vực năm 2020 với mức tăng trưởng dương 1,6%, Việt Nam được dự đoán có thể tăng trưởng 6,7% trong năm 2021. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam đã gặp cú sốc khi biến chủng Delta gây ra làn sóng dịch lần thứ tư. Theo Ngân hàng Thế giới, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ cán mốc 2-2,5%, thấp hơn 4% so với dự báo đầu năm.

Chia sẻ về toàn cảnh kinh tế Việt Nam, Ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC) nhận định: “Các tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh trong năm  2022, các bạn phục hồi nhanh trong quý cuối năm 2021 và tạo đà cho năm 2021”.

Ông cũng cho biết: “Rủi ro suy thoái còn lớn, áp lực lạm phát, giá cả vẫn đầy thách thức qua hai năm 2020-2021 tuy nhiên các chỉ số vẫn chỉ ra Việt Nam là quốc gia có cơ hội tăng trưởng, có thặng dư tài khóa. Vấn đề là làm thế nào để duy trì cải thiện nền kinh tế từ các yếu tố thuận lợi và đặc thù của Việt Nam ngay trong đầu năm 2022 tới".

Chia sẻ tại Diễn đàn, Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, Chủ tịch Deloitte Việt Nam khẳng định: “Một chiến lược Quản trị công ty bền vững là nhằm hướng tới cân bằng mục tiêu lợi nhuận trong sự tương tác  với việc bảo vệ và duy trì giá trị của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, trong đó giá trị sống của  người dân là trung tâm của hành động. Chiến lược này luôn song hành cùng một nền tảng văn hoá HĐQT – văn hóa thực hành và phát triển trên ba giá trị cốt lõi "tuân thủ", "minh bạch" và "chính trực".  Chúng tôi cho rằng đó như là "lá chắn Vaccine" giúp cho doanh nghiệp vững vàng vượt qua thách thức  kép của giai đoạn lịch sử hiện nay.”

Trong đó, từng thành viên HĐQT có sứ mệnh đóng góp và phụng sự trong hành trình đưa ESG và Tính  bền vững vào chương trình hành động của doanh nghiệp mình.

Theo đó, Việt Nam đang sở hữu "lợi thế kép" để thu hút các nhà đầu tư quốc tế với cam kết đầu tư thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững đến làm ăn. Lego là một cột mốc thu hút đầu tư trị giá lớn ngay trong giai đoạn Việt Nam vừa kiểm soát dịch bệnh và đang nỗ lực phục hồi kinh tế; cũng có thể nói là một miếng ghép quan trọng, khởi đầu cho một bản ghép hoàn chỉnh với những mảng miếng thu hút đầu tư đặc biệt ở phía trước.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển đổi thành ngân hàng số là hướng phát triển bền vững cho các ngân hàng

    15:32, 10/12/2021

  • Xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững

    14:04, 10/12/2021

  • Phát triển bền vững để thích ứng với tương lai

    14:09, 09/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lego - Mảnh ghép lớn trong bức tranh hút vốn đầu tư ESG của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO