Cao tốc có tổng mức đầu tư ban đầu 12.771,765 tỷ đồng. Trong đó, tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16km đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Tuyến Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư. 

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có quy mô 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 25,25m, vận tốc thiết kế 120Km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 (vận tốc thiết kế tối đa đối với đường cao tốc tại Việt Nam).

Đây là một trong những cao tốc sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối với 32 cây cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài là hơn 7,9km (chiếm 10% tổng chiều dài tuyến) (Trong đó: Dự án Vân Đồn - Tiên Yên có 7 cầu, tổng chiều dài 3.812,6m; Dự án Tiên Yên Móng Cái 25 cầu, tổng chiều dài 3.625,9m) và sở hữu cầu Vân Tiên vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh (1.515m).

Hệ thống giao thông thông minh ITS được trang bị hiện đại với tổng cộng 66 camera CCTV có thể quan sát và nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách 1Km, được ghi hình liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết.

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là cao tốc sở hữu hệ thống chiếu sáng hiện đại bậc nhất cả nước.

Khi đi vào hoạt động sẽ hoàn thiện tuyến cao tốc từ Lào Cai đi qua Hà Nội, Hải Phòng đến TP Móng Cái, tạo thành tuyến cao tốc liền mạch dài nhất Việt Nam với chiều dài lên đến gần 600km trong đó Quảng Ninh là tỉnh có số km lớn nhất cả nước ~ 176km. Rút ngắn thời gian từ Móng Cái đến Hạ Long còn 01 giờ 30 phút (Đi theo QL18 mất khoảng 03 giờ); từ Móng Cái đến Hà Nội còn 03 giờ (hiện tại mất 5,5 giờ). 

Hoàn thiện toàn bộ tuyến cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh kéo dài từ cầu Bạch Đằng đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Trở thành tuyến cao tốc ven biển duy nhất kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả 3 khu kinh tế (KKT) gồm: KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn và KKT cửa khẩu Móng Cái.

Việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với đường ô tô cao tốc Tiên Yên – Móng Cái được thực hiện theo phương thức thu phí kín và triển khai thu phí theo hình thức không dừng (ETC). Trên tuyến bố trí tại 04 vị trí ra vào cao tốc, cụ thể: Trên tuyến chính: tại Km112+900 (trạm thu phí đầu tuyến) và Km146+500 (trạm thu phí cuối tuyến). Trên tuyến nhánh: tại nút giao Đầm Hà tại Km122+400 và nút giao Hải Hà tại Km143+350.        

"Về mặt tổng quan, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc Việt Nam hiện đại và đồng bộ. Nó là một trong số những tuyến được thiết kế và khai thác với tốc độ là 120 km/h. Hiện tại, trong hệ thống đường cao tốc của Việt Nam chỉ có 2 dự án được thiết kế tương tự là dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng được khai thác với tốc độ 120 km/h với mặt cắt ngang là 25,25m. Còn lại các tuyến cao tốc khác đang thiết kế và xây dựng được phân kỳ đầu tư với bề rộng là 17m và vận tốc thiết kế là 80 km/h.

Về mặt chi tiết, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là một trong số những tuyến có các cầu vượt sông, vượt biển, vượt suối lớn nhất Việt Nam, khoảng 32 cây cầu, có chiều dài là 7,6km tương đương khoảng 10% chiều dài của toàn tuyến. Trong đó, cầu Vân Tiên là cầu vượt biển có kiến trúc đẹp, kỹ thuật hiện đại. Giai đoạn vừa qua, chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công hoàn thành cây cầu trong vòng khoảng 330 ngày. Đây cũng là một kỷ lục mới của việc thi công các công trình cầu vượt biển của Việt Nam”. – Ông Bùi Trần Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

Diễn đàn Doanh nghiệp đã ghi lại một số hình ảnh tại cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trước giờ thông xe.