>>> Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở từ thay đổi tư duy

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia NIC Hòa Lạc, là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do nhà nước làm chủ phục vụ mục tiêu chung của quốc gia, có cơ chế và chính sách ưu đãi đặc thù được quy định tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ, được đầu tư và vận hành hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Thứ nhất, các thể chế, chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo Việt Nam cần phải được hoàn thiện để có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể, của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo…

“Trong đó, cần mạnh dạn nghiên cứu, triển khai cơ chế thử nghiệm đặc thù cho các đối tượng, lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo bứt phá và động lực mới cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.Thứ hai, xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cao và mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam. Đơn cử là ngành công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hydrogen, y tế, giáo dục, trí tuệ thông minh… Đồng thời, cần chuẩn bị các điều kiện hạ tầng nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành và lĩnh vực quan trọng khác.

Thứ ba, tinh thần hợp tác, kết nối với hiệu quả bền vững, toàn diện giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần phải được phát huy, gồm khối doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, khối viện, trường nghiên cứu, trường đại học, khối tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, các vườn ươm đổi mới sáng tạo…

Thứ tư, các hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ cũng cần phải được đẩy mạnh. Đặc biệt là hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ chức đổi mới sáng tạo trong nước với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển chung cho đổi mới sáng tạo quốc gia, sớm triển khai vận hành, thu hút các đối tác đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu phát triển trung tâm tại khu vực công nghệ cao Láng Hòa Lạc. Hoàn thiện hạ tầng chiến lược kết nối, nhất là về giao thông và dịch vụ của Khu công nghệ cao này.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, các địa phương tích cực chủ động phối hợp để triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp, chủ trương của nhà nước đã đề ra trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong đó, luôn đặt doanh nghiệp, người dân là trọng tâm của đổi mới sáng tạo, tập trung xây dựng hoàn thiện trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 9/1/2021, NIC cơ sở Hòa Lạc đến nay đã hình thành với thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh, là biểu tượng cho sứ mệnh hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, tạo nên các giá trị đột phá, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển vươn xa.

Lễ khánh thành NIC Hoà Lạc đánh dấu một cột mốc quan trọng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hoà Lạc trên hành trình thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cơ sở hạ tầng hiện đại và không gian rộng lớn sẽ giúp NIC phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng như cung ứng dịch vụ công cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Cũng tại NIC Cơ sở Hòa Lạc, VIIE 2023 đã chính thức diễn ra tại Hội trường Đổi mới sáng tạo (Innovation Hall). Tổ chức trong 05 ngày, từ 28/10 - 1/11, VIIE 2023 được tổ chức với quy mô mang tầm quốc tế. Với mục tiêu tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng đầu, Triển lãm tạo ra sự tương tác và kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng và khám phá năng lực đổi mới sáng tạo, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác tiềm năng.

Từ những gian hàng ấn tượng giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến xoay quanh 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC bao gồm: nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, công nghệ hydrogen và công nghệ y tế, cho tới những khu trải nghiệm công nghệ hiện đại đa giác quan, nơi các sản phẩm và ứng dụng công nghệ được trình diễn sống động: không gian xanh Eco Valley, đường hầm ánh sáng và thành phố đổi mới sáng tạo.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Meta đã trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 cho 12 giải pháp tiêu biểu và vinh danh Top 4 giải pháp xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) được phát động từ tháng 10/2022. Top 4 giải pháp gồm Nền tảng Chuyển đổi số (oneSME) của VNPT; Tự động hóa quy trình với trợ lý ảo (FPT akaBot) của FPT IS; Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất (MISA AMIS) của MISA và Tiết kiệm năng lượng của Benkon.

Việt Nam đang được xếp vào hàng ngũ những quốc gia năng động về đổi mới sáng tạo. Cụ thể, theo Bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vào hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển, đứng thứ thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Startup Blink xếp hạng Việt Nam ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 về đổi mới sáng tạo.