Kể từ năm 2020, giới đầu tư tiền ảo toàn cầu sẽ có thêm một đồng tiền mới để bổ sung vào danh mục của mình. Đó là Libra của gã khổng lồ Facebook.
Facebook muốn mình là công ty mang đến cơ hội tài chính cho hơn 1,7 tỉ người không sở hữu tài khoản ngân hàng theo một báo cáo gần đây. Nhưng giải pháp của họ không phải là một phiên bản Bitcoin tiếp theo. Libra được thiết kế để người dùng Facebook thực hiện giao dịch ngay trên nền tảng mạng xã hội cũng như các dịch vụ khác cùng hệ sinh thái.
Không giống như các đồng tiền ảo phi tập trung khác, Libra được kiểm soát bởi Facebook và một nhóm các công ty đồng sáng lập như Visa hay Mastercard. Nghe có vẻ không giống những gì bạn biết về tiền ảo. Nhưng với nền tảng của Faecbook, liệu Libra có tận dụng được sức bật để tạo nên sự thay đổi?
Đồng tiền tập trung
Libra được Facebook phát triển trong hơn một năm nay. Trước thời điểm công bố, gã khổng lồ công nghệ đã tìm kiếm đối tác để cùng phát triển Libra và cho họ quyền truy cập vào các nguồn lực cần thiết cho công việc. Mang tên gọi Libra Assocation, nhóm này bao gồm nhiều công ty “máu mặt” trong làng tài chính-kinh tế thế giới như Uber, Visa, Mastercard hay Paypal.
Một đồng tiền “lớn” dĩ nhiên đi kèm với những phản ứng “lớn”, gần như ngay lập tức sau bài đăng của Mark Zuckerberg.
Không ai có thể phủ nhận tiềm năng của Libra, nhất là bởi ảnh hưởng lớn từ Facebook và sự thuận tiện trong giao dịch mà nó sẽ mang lại. Nhưng cộng đồng bitcoin dường như không mấy hào hứng. Libra không phải Bitcoin, càng không hoạt động chung một nguyên lý dù cũng dựa trên blockchain.
Libra được quản lý bởi một nhóm các tổ chức tài chính và công nghệ lớn, cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm, viễn thông và nhiều đơn vị khác. Một số trong đó sẽ kiểm soát dòng lưu kim đầu tư, vốn không phải là cách hoạt động của phần lớn các đồng tiền ảo hiện có.
Lấy Bitcoin làm ví dụ. Đồng tiền này cực khó điều tiết và khó kiểm soát bởi chính thiết kế của nó. Không một thực thể nào có thể kiểm soát các giao dịch bitcoin.
Bitcoin cũng không có “người gác cổng” để xác thực giao dịch, điều mà Libra lại sở hữu với Facebook và nhóm Libra Association. Đây là những tổ chức duy nhất có thể phát hành (hoặc tiêu huỷ) các đồng Libra trong thị trường. Với hai phần ba thành viên hiệp hội bỏ phiếu, họ thậm chí có thể đóng băng tài khoản hoặc ngăn chặn giao dịch.
Điểm mạnh (và cũng là điểm yếu) của Bitcoin là không ai có thể kiểm soát được. Điều này cũng vô tình khiến bitcoin “bấp bênh” trên thị trường. Libra có thể không đi vào vết xe đổ, nhưng cũng khiến người ta đặt câu hỏi về vai trò của các thành viên hiệp hội.
Facebook cũng như các thành viên khác như PayPal, Visa và Mastercard sẽ có cổ phần và tiếng nói trong sự phát triển của Libra, và mặc dù các nhà phát triển đã trấn an rằng Libra sẽ được “mở cửa” cho mọi người trong tương lai, không có gì đảm bảo điều đó. Thậm chí, thành viên mới cũng chưa chắc có thể thuyết phục được 2 phần 3 thành viên hội đồng để có những lá phiếu có lợi.
Đồng tiền dựa trên quyền lực
Một nguyên lý cốt lõi khác của Bitcoin là nó không bị ràng buộc với bất cứ thứ gì trong thế giới thực, như các loại tiền tệ truyền thống. Giá trị của nó được định đoạt bởi sức mua của người giao dịch. Libra, thay vào đó, sẽ được liên kết với một số loại tiền tệ trong thế giới thực. Điều đó có nghĩa là Libra sẽ không có sự thay đổi quá lớn về mặt giá trị, tạo nên một phương tiện giao dịch ổn định về mặt lý thuyết. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là nó có thể bị ảnh hưởng bởi quyền lực chính trị.
Người mua tiền ảo thường sẽ đầu tư khi nào đồng nội tệ suy yếu. Nếu một cuộc suy thoái toàn cầu xảy ra, giá Bitcoin sẽ tăng đột biến, còn Libra có lẽ sẽ giảm ngay cùng với đô la, bảng Anh và euro. Ngoài ra, còn có khả năng hiệp hội tạo nên sự thay đổi về giá trị bằng cách thêm các loại tiền tệ hoặc hệ thống tài chính mới để làm giảm giá trị của Libra.
Dù thế nào đi nữa, Libra cũng sẽ được chào đón. Nó có khả năng giới thiệu cho hàng tỷ người ý tưởng sử dụng tiền điện tử và giúp những người không có tài khoản ngân hàng ở các vùng xa thực hiện các giao dịch nhanh chóng và dễ dàng. Nó thậm chí có thể tạo ra một cuộc cách mạng trên phương diện toàn cầu.
Libra cũng sẽ giống như các phương tiện truyền thông xã hội, dần dần trở thành một phần không thể thiếu. Nhưng điều đó cũng có nghĩa Libra làm dấy lên mối lo ngại về sự riêng tư và sự kiểm soát độc quyền.
Nhưng ngay cả khi bạn thờ ơ với Libra khi nó ra mắt vào nửa đầu năm 2020, có thể một người thân nào đó trong nhà bạn sẽ sở hữu một vài đồng. Và đó chính xác là những gì Facebook đang đặt cược.