Etisalat (UAE), Singtel (Singapore), SoftBank (Nhật Bản) và Telefónica (Tây Ban Nha) đã ký thỏa thuận thành lập Liên minh An ninh mạng toàn cầu đầu tiên nhằm tăng cường an ninh mạng cho khách hàng.
Liên minh này là một trong những nhà cung cấp bảo mật không gian mạng lớn nhất thế giới, với hơn 1,2 tỷ khách hàng tại hơn 60 quốc gia trên khắp châu Á Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ.
Thỏa thuận toàn cầu
Theo thỏa thuận, Liên minh sẽ chia sẻ thông tin về các mối đe doạ an ninh mạng và sử dụng năng lực an ninh mạng của họ phục vụ khách hàng trên toàn thế giới. Liên minh sẽ hỗ trợ khách hàng của các thành viên ở mọi lúc mọi nơi, cho phép họ phản ứng nhanh chóng với bất kỳ mối đe dọa an ninh mạng nào.
"Các hackers có các cộng đồng được tổ chức rất tốt để tạo ra các mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm đến không gian mạng. Việc thành lập Liên minh an ninh mạng là vô cung cần thiết để chống lại các cuộc tấn công của hacker", ông Andrew Schwabecher, Giám đốc An ninh mạng và Điện toán đám mây của SoftBank cho biết và nhấn mạnh,
Xây dựng liên kết chuỗi
Theo Tập đoàn Bkav, năm 2017, thiệt hại do virus mạng gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng, vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng năm 2016. Trước đó, hãng bảo mật Kaspersky thống kê Việt Nam có 134.000 vụ tấn công mạng, 35 % người dùng Internet có khả năng bị tấn công và gây thiệt hại 12,3 nghìn tỷ đồng năm 2017. Các hackers luôn nhằm vào các tổ chức tài chính, ngân hàng, y tế, giao thông vận tải hay các trang web của Chính phủ để tấn công.
TS. Vũ Quốc Khánh, chuyên gia an ninh mạng nhận định, nhận thức bảo mật an ninh mạng tại Việt Nam còn ở mức thấp. "Việc có một liên minh an ninh mạng như Liên minh An ninh mạng toàn cầu chính là điều mà Việt Nam cũng đang cần thực hiện ngay lúc này, giúp liên kết các nhà mạng trong nước và tham gia chuỗi hợp tác quốc tế. Điều này giúp các nhà mạng của Việt Nam bảo vệ người dùng trong nước và không cô độc trong việc chống lại các cuộc tấn công mạng toàn cầu trong tương lai", ông Khánh cho biết
Chuyên gia này cũng cho biết thêm, đa số người dùng mạng Việt Nam không quan tâm đến an ninh thông tin cá nhân. Do vậy, các nhà mạng nên chủ động trong việc bảo vệ thông tin cá nhân khách hàng, và Chính phủ cần đứng ra làm cầu nối, kết nối các nhà cung cấp mạng và xây dựng một chiến lược an ninh mạng dài hạn.