Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông (ngư dân) huyện Vân Đồn vừa ký kết để chính thức tham gia vào chuỗi liên kết với mục tiêu phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu Vân Đồn.
Lễ ký kết diễn ra tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu Vân Đồn” do Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp cùng UBND huyện Vân Đồn, Quảng Ninh tổ chức vừa qua tại Vân Đồn.
Nâng cao giá trị thương hiệu hàu Vân Đồn
Ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, huyện có lợi thế rất lớn về nuôi trồng thủy sản nói chung, đặc biệt là sản phẩm hàu Thái Bình Dương bởi nó rất phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây. Vân Đồn có xấp xỉ khoảng 4.000 ha nuôi hàu nên xét về sản lượng và quy mô là lớn nhất cả nước, đây cũng là một trong những vùng nuôi hàu lớn trên thế giới. Trong những năm qua, hàu là sản phẩm chủ lực, đã mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho ngư dân, là một trong những sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2007, ngành nuôi hàu bắt đầu phát triển ở Vân Đồn. Đến năm 2014, chủ yếu vẫn được chế biến ở dạng tươi sống. Khi công ty TNHH SX&TM Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) đầu tư ở Vân Đồn, công nghệ chế biến chuyên sâu các sản phẩm từ hàu bắt đầu mới được chú trọng. Ngoài các sản phẩm hàu tươi sống xuất khẩu, công ty này còn phát triển các sản phẩm như ruốc hàu, các loại bánh từ hàu, bánh phồng hàu, bánh cookie từ hàu, nem hàu và các sản phẩm tinh hàu để phục vụ cho ngành dược, giúp tăng cường sinh lý nam giới.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, CEO của Bavabi cho biết, việc đưa một sản phẩm chế biến sâu cho một ngành nuôi hàu lớn tại Vân Đồn hay bất cứ địa phương nào là rất cần thiết vì bởi nó góp phần nâng cao giá trị nông sản, nâng cao được giá trị thương hiệu cho địa phương, phát triển một cách bền vững trong chuỗi giá trị từ nuôi trồng, khai thác cho đến chế biến, xuất khẩu.
Tại sao cần tham gia chuỗi liên kết?
Các đơn vị chế biến hàu chuyên sâu như Bavabi đều có mục tiêu chế biến sản phẩm hàu để xuất khẩu sang các nước. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được phải được cấp chứng nhận về tiêu chuẩn cho vùng nuôi. Để có được chứng nhận này các công ty chế biến phải “bắt tay”, liên kết với bà con ngư dân cũng như với các đơn vị cung cấp hạ tầng nuôi trồng để xây dựng được chuỗi giá trị hàu một cách bền vững.
Được biết, tại Vân Đồn, ngư dân có thói quen trì nuôi hàu bằng phao xốp. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ có tuổi đời 2 năm và gây ô nhiễm môi trường vịnh nghiêm trọng. Huyện Vân Đồn cũng như tỉnh Quảng Ninh đang yêu cầu ngư dân chuyển sang vật liệu nuôi trồng thân thiện với môi trường là HDPE có tuổi đời là 50 năm. Với việc ban hành Nghị quyết 194, tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ 30% kinh phí chuyển đổi từ phao xốp sang vật liệu HDPE nếu người dân tham gia vào chuỗi liên kết từ khâu nuôi trồng đến khâu chế biến. Ngoài việc được nhà nước hỗ trợ kinh phí, ngư dân còn được các công ty chế biên sâu bao tiêu sản phẩm và được ngân hàng hỗ trợ vay vốn nếu cần.
Ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, trong thời gian tới, huyện Vân Đồn sẽ tập trung các giải pháp phát triển hàu sữa theo đúng quy mô sản phẩm cấp quốc gia. Huyện sẽ tập trung rà soát toàn bộ vùng nuôi, thực hiện số hóa mặt nước, đảm bảo sản phẩm hàu Vân Đồn nuôi theo đúng quy hoạch. Vân Đồn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp& Phát triển nông thôn Quảng Ninh xây dựng kế hoạch giám sát nhuyễn thể hai mảnh, trong đó có sản phẩm hàu sữa. Vân Đồn đã thực hiện quyết liệt triển khai Quyết định 31 ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh về việc ứng dụng các sản phẩm phù hợp với quy chuẩn địa phương. Vân Đồn đang tổ chức các khu nuôi trồng kiểu mẫu, ứng dụng công nghệ HDPE trong nuôi trồng, thay thế phao xốp. Kể từ 1/1/2021, UBND huyện đã yêu cầu tất cả các cơ sở nuôi trồng thủy sản dừng việc phát triển mới các mô hình nuôi trồng bằng phao xốp và chuyển đổi toàn bộ sang vật liệu HDPE thân thiện với môi trường.
Cũng theo ông Vũ, việc liên kết giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp với nhân dân chưa được chặt chẽ. Chính vì vậy, cơ quan nhà nước sẽ có trách nhiệm liên kết 4 nhà để định hướng có các chương trình ký kết về ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng sản phẩm để nuôi trồng. Khi sản phẩm đã đảm bảo tiêu chuẩn, các doanh nghiệp sẽ thu mua, chế biến xuất khẩu nhằm tăng giá trị hàu sữa Vân Đồn cho ngư dân.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, chúng ta đang sống ở thế kỷ của biển và đại dương. Việc liên kết đầu tư phát triển kinh tế biển theo chuỗi là xu hướng tất yếu. Quảng Ninh cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa 4 “nhà”- nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông (ngư dân), trong đó, nhà nước sẽ đóng vai trò là trọng tài. |
Có thể bạn quan tâm