LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ: Thúc đẩy môi trường kinh doanh và phát triển bền vững

Diendandoanhnghiep.vn Đại diện Ban Pháp chế VCCI nhìn nhận, liên kết vùng rất quan trọng để thúc đẩy môi trường kinh doanh tại địa phương, đồng thời chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn đó là phát triển bền vững.

>> LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ: Cơ hội từ phát triển kinh tế rừng bền vững

Thuận lợi và khó khăn

Phát biểu tại Diễn đàn “Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27/9/2023, ông Trương Đức Trọng, Chuyên gia dự án PCI, Ban pháp chế VCCI cho biết, một nhà đầu tư khi đến với địa phương cần rất nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng cho đến các vấn đề về chính sách và các hoạt động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy, môi trường đầu tư kinh doanh tại khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ rất được quan tâm.

Ông Trương Đức Trọng, Chuyên gia dự án PCI, Ban pháp chế VCCI

Ông Trương Đức Trọng, Chuyên gia dự án PCI, Ban pháp chế VCCI

Trong khu vực, các yếu tố về vị trí địa lý chưa thực sự thuận lợi, bởi vì địa hình các tỉnh phần lớn bị chia cắt bởi đồi núi và các địa hình cao, tương đối khó khăn cho cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Ngược lại, chúng ta có những thuận lợi để phát triển các loại hình nông, lâm nghiệp, đặc biệt là trồng các loại cây công nghiệp cận nhiệt và ôn đới, phù hợp trong việc phát triển kinh tế của địa phương trong tương lai.

Ngoài ra, các tỉnh miền núi Bắc bộ còn có thế mạnh về khoáng sản, giàu tài nguyên như các mỏ than, kẽm, chì, quặng và đất hiếm - một trong những loại tài nguyên quan trọng trong ngành sản xuất công nghệ cao như tại Lai Châu. Đặc biệt là tài nguyên về thủy điện với hệ thống thủy điện dày đặc, là khu vực tiềm năng để khai thác nguồn lợi này.

Tuy nhiên, hạn chế mà các vị lãnh đạo nhiều địa phương đã đề cập nhiều nhất đó là cơ sở hạ tầng. Trong khảo sát PCI của VCCI, chỉ số cơ sở hạ tầng của khu vực miền núi Bắc bộ có điểm số thấp nhất so với các khu vực khác trên toàn quốc, là một trong những bất lợi lớn trong việc thu hút nhà đầu tư đến địa phương.

“Chúng tôi nhận thấy, một số khó khăn chính của cơ sở hạ tầng là khu công nghiệp hạn chế, chất lượng đường bộ chưa có bước chuyển biến đáng kể, chất lượng cung cấp điện còn rất nhiều vấn đề, nhất là trong năm nay khi có tình trạng mất điện trên diện rộng ở nhiều địa phương. Cùng với đó, chất lượng viễn thông và Internet cũng không cao, chỉ có hai địa phương trong vùng thực sự có lợi thế, tiến bộ đáng kể về mặt hạ tầng trong năm qua đó là Bắc Giang và Thái Nguyên. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được khi đây là hai trung tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây và có sự đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng”. ông Trương Đức Trọng phân tích.

Theo vị chuyên gia, một yếu tố nữa tất được nhà đầu tư quan tâm đó là điều kiện kinh tế gồm quy mô thị trường, thu nhập dân cư, sự phát triển các chuỗi cung ứng... Có thể thấy, đây là một điều bất lợi của các tỉnh miền núi Bắc bộ khi GDP bình quân đầu người theo thống kê trong vùng chỉ nhỉnh hơn khu vực Tây Nguyên.

Còn nhiều chỉ tiêu kinh tế khác của vùng cũng tương đối khiêm tốn so với các vùng khác, như số doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, khu chế xuất... Để đánh giá mức độ phát triển của địa phương thì cũng chỉ hơn khu vực Tây Nguyên.

Riêng về mức độ phát triển của doanh nghiệp địa phương trên địa bàn tương đối thấp so với mức độ trung bình cả nước. Nếu so với một khu vực gần đó là Đồng bằng sông Hồng thì cũng thấp hơn khá nhiều, có một số địa phương có giá trị tương đối gồm Lào Cai, Thái Nguyên với khoảng 4 doanh nghiệp/1000 dân, gần với giá trị trung bình của vùng Đồng bằng sông Hồng (6 doanh nghiệp/1000 dân).

Đáng chú ý, thu hút vốn FDI cũng không phải thế mạnh của địa phương khi sự chênh lệch rất rõ rệt. Qua khảo sát, hiện nay chỉ có Bắc Giang là tam giác thu hút vốn FDI của vùng cùng với Thái Nguyên, Phú Thọ. Ở các địa phương còn lại có rất ít các dự án FDI.

“Chúng tôi tính toán số lượng doanh nghiệp tích lũy từ năm 1988 sẽ thấy, Bắc Giang là một trong những điểm sáng trong thời gian gần đây, còn Thái Nguyên thì có dự án đầu tư lớn từ Samsung, góp phần vào kết quả của địa phương. Các tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn thì số dự án đầu tư nước ngoài rất ít ỏi.

Một điểm nữa chúng tôi muốn đánh giá là chất lượng lao động địa phương cũng rất được các nhà đầu tư quan tâm, trong đó có số lượng và chất lượng. Điểm tích cực là về mặt số lượng, lao động của các tỉnh trong khu vực miền núi Bắc bộ khá dồi dào, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa phương cao hơn mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, một thách thức với các địa phương trong vùng đó là vấn đề người lao động có xu hướng di cư đi khỏi địa phương. Vấn đề này biểu hiện rõ rệt ở một số địa phương như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Đáng chú ý, tỷ lệ lao động tại địa phương đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp không cao. Nếu trung bình toàn quốc là 39% vẫn là con số tương đối thấp, thì ở các địa phương trong khu vực miền núi Bắc bộ còn thấp hơn. Điều đó cho thấy vấn đề chất lượng lao động là một trở ngại địa phương, dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động”, ông Trọng nêu.

>> LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ: Hình thành các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Đại diện Ban Pháp chế VCCI cũng cho biết thêm, về cải cách thủ tục hành chính, có một xu hướng tích cực đó là điểm PCI trung bình vùng đã có sự cải thiện qua thời gian. Đây cũng là xu hướng chung của toàn quốc từ năm 2014-2022 và hoàn toàn phù hợp với khoảng một thập kỷ gần đây, khi chúng ta có nhiều cố gắng về cải cách hành chính, đổi mới, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Diễn đàn “Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ”

Diễn đàn “Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ”

Mặc dù vậy, nếu nhìn nhận các chỉ số, thành phần cụ thể, thì khu vực miền núi Bắc bộ còn có những bất lợi. Thứ nhất, việc tiếp cận đất đai khó hơn so với khu vực khác trên toàn quốc. Thứ hai là chi phí thời gian phản ánh về hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Thứ ba là chi phí không chính đang xếp cuối so với toàn quốc. Thứ tư, đánh giá về cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng xếp cuối cùng so với các địa phương và vùng khác trên toàn quốc.

Một trong những hạn chế về PCI mà VCCI muốn nhận diện là đánh giá chính quyền các tỉnh, thành phố có sự linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp địa phương hay có cam kết hỗ trợ môi trường kinh doanh không, thì có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương trong vùng. Điển hình có những địa phương rất tốt như Thái Nguyên, Bắc Giang nhưng nhiều địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới để tiếp tục cải thiện.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng đề cập nhiều đến vấn đề thiếu quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng chậm và họ không có thông tin cần thiết về đất đai, quy hoạch hoặc có những câu hỏi liên quan đến thủ tục hành chính đưa ra với địa phương nhưng không được phản hồi đầy đủ. Đây là một trong những vấn đề khá nhức nhối.

Thêm vào đó, phiền hà trong thủ tục hành chính vẫn tồn tại, ví dụ tại tỉnh Hòa Bình là địa phương đứng ở giữa trong vùng, vấn đề về thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy,... là những lĩnh vực mà doanh nghiệp phản ánh có nhiều phiền hà nhất. Trong năm qua, việc thanh tra thuế kéo dài, những chi phí không chính thức khá là nhức nhối.

Việc thanh kiểm tra được Bắc Giang triển khai tốt nhất trong khu vực, nhưng ngay cả địa phương tốt nhất cũng có những vấn đề liên quan đến phiền hà, cụ thể là về thanh tra xây dựng, 31% doanh nghiệp cho biết điều này.

Chi phí không chính thức cũng là vấn đề mà nhiều năm nay các tỉnh miền núi Bắc bộ chưa có sự cải thiện đáng kể. Đơn cử như tỉnh Yên Bái, là địa phương đứng giữa bảng xếp hạng của PCI trong khu vực, việc trả chi phí không chính thức là phổ biến như trong quản lý thị trường, thanh tra kiểm tra xây dựng, thanh kiểm tra phòng cháy chữa cháy, môi trường...

“Để giải quyết các vấn đề, chúng tôi hy vọng các địa phương sẽ thúc đẩy, cố gắng chuyển đổi số, vì đây là một trong những việc sẽ giúp cho địa phương không chỉ giảm chi phí tuân thủ, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính mà còn giảm số lượng giấy tờ để hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp tốt hơn”, ông Trong đề xuất.

Kiến nghị giải pháp

Về kiến nghị, ông Trương Đức Trọng cho rằng, chúng ta cần phải tăng cường liên kết ngành trong các hoạt động về môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương.

Gần đây nhất, PCI cũng đã tham gia làm cầu nối hỗ trợ cho 4 tỉnh thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên thực hiện sáng kiến Kết nối trục cao tốc phía Đông. Từ đó sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho 4địa phương trong vùng, biến đây thành cực phát triển kinh tế của miền Bắc.

Có thể thấy, các tỉnh miền núi Bắc bộ đã xây dựng khối liên kết như vậy từ lâu, nhưng chúng ta cần làm sâu sắc hơn mối liên kết đó, để trong thời gian tới có thể tăng cường liên kết giữa các vùng ở một số lĩnh vực sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Có những địa phương đã có mô hình rất tốt như Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai thì có thể lan tỏa sang những địa phương còn lại trong vùng; chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ hai, liên kết trong thương mại. Đôi khi một địa phương không đủ mà cần phải có một vùng nhiều địa phương cùng tham gia.

Thứ ba, liên kết về hạ tầng giao thông, logistics và phát triển chuỗi cung ứng. Đây là một đề tài rất rộng cần thảo luận thêm, nhưng cũng rất quan trọng đặc biệt là vấn đề về giao thông.

Thứ tư, liên kết trong đề xuất chính sách. Một địa phương có tiếng nói chưa đủ, nhưng nhiều địa phương chắc chắn sẽ được Chính phủ, các bộ ngành lắng nghe nhiều hơn.

Thứ năm, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực, liên kết bảo vệ môi trường cũng là một chủ đề cần thiết.

“Đây là những chủ đề liên kết rất quan trọng để thúc đẩy môi trường kinh doanh tại địa phương đồng thời, chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn đó là phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, điều này sẽ không thể làm được nếu không có sự tham gia tích cực của các địa phương. Vì vậy ngay từ bây giờ, các địa phương cần lồng ghép mục tiêu này trong chiến lược phát triển của mình”, đại diện Ban Pháp chế VCCI kiến nghị.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714352940 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714352940 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10