Ngày 5/7, VCCI TP.Cần Thơ đã tổ chức buổi hội thảo nông nghiệp với chủ đề “Nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu bằng công nghệ Blockchain”.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phương Lam – Đại diện phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) TP.Cần Thơ cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào ngành nông nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp ở TP.Cần Thơ và Đồng Bằng Sông Cửu Long chưa thật sự rộng lớn, do đó, việc ứng dụng Blockchain được xem là góp phần tăng năng lực cạnh tranh về cả sản phẩm lẫn kích cầu đầu ra thị trường.
Đại diện Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, ông Từ Minh Thiện cũng chia sẻ bài toán thị trường về vấn nạn thực phẩm bẩn và yêu cầu phải thực hiện việc minh bạch hoá chuỗi cung ứng như sau khi giải quyết tốt bài toán nguồn gốc thực phẩm sạch đến với người dân, tạo sự an tâm cho cả thương hiệu, điều cốt lõi để tăng uy tín và doanh thu trên thị trường.
Theo ông Thiện, nhờ vào tính phân tán dễ dàng truy xuất, hiện công nghệ Blockchain ứng dụng khá nhiều vào nhiều ngành nghề như Hợp đồng thông minh; Kinh tế chia sẻ; Quản trị minh bạch; Dự đoán thị trường; Ứng dụng Internet of Thing (IoT); Quản lý danh tính; Chống rửa tiền - Anti-money laundering (AML)…
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Vũ Trường Ca – Chủ tịch HĐQT LINA NETWORK đã chia sẻ những kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ Blockchain với tên gọi Supply Chain vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm ở thời điểm hiện tại, cũng như nêu lên những vấn đề còn tồn động hiện nay trong khâu quản lý.
Ứng dụng này nằm trong một hệ sinh thái công nghệ Blockchain rộng lớn bao gồm nhiều doanh nghiệp, cửa hàng (merchant) và người dùng. Nền tảng LINA được tối ưu hóa bằng thiết kế linh hoạt không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu cho người dùng về nguồn gốc, mà còn nâng cao chất lượng hàng hóa để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. LINA Supply Chain đảm bảo việc theo dõi nguồn gốc một sản phẩm nào đó trong thời gian thực. Khi áp dụng vào thực tiễn trong chuỗi cung ứng, nền tảng LINA sẽ mang lại nhiều giá trị, mà cụ thể nhất là khả năng hiển thị minh bạch, tối ưu hóa quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc gần như tức thời.
Với ứng dụng công nghệ Blockchain, những thông tin nêu trên sẽ được các tổ chức trong chuỗi cung ứng có thể “dự đoán” được khi nào sản phẩm đến nơi, sẽ có trạng thái như thế nào..., qua đó tối ưu hóa (optimization) được toàn bộ quy trình. Vì dữ liệu trong Blockchain là hoàn toàn minh bạch với tất cả mọi người và được cập nhật gần như tức thời, nên khi cần có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm gần như mọi lúc ở mọi thời điểm và ở bất cứ đâu".
Chia sẻ thêm về nền tảng này, ông Vũ Trường Ca thận trọng cho hay: “Những gì tôi chia sẻ trong buổi toạ đàm ngày hôm nay không phải phát biểu dựa trên lý thuyết, giấy tờ, tất cả đều được chúng tôi nghiên cứu thực tiễn và áp dụng thực tế hẳn hoi. Tại Thái Lan, Tập đoàn ChokChai chuyên về chăn nuôi bò sữa, Tập đoàn S.A.P Siam Food International Co. Ltd, Tập đoàn AIM THAI… sau nhiều tháng xem xét cũng như có các chuyên gia công nghệ độc lập để đánh giá nền tảng Blockchain của chúng tôi. Mới đây, tất cả các doanh nghiệp mà tôi nêu ở trên đều đã quyết định kí hợp đồng với LINA NETWORK về việc cung ứng LINA Supply Chain để họ tối ưu được tất cả quy trình sản xuất, nhằm đề cao được tính minh bạch của sản phẩm khi ra thị trường tiêu dùng, giúp người dân an tâm và tin tưởng doanh nghiệp hơn khi sử dụng”.
Ông Hà Đức Long – Kĩ sư trưởng thiết kế công nghệ Blockchain của LINA NETWORK nhấn mạnh tầm quan trọng khi ứng dụng tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Lào hiện đã có nhiều thành công bước đầu. “Về việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong nông nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm hoặc loại bỏ được tính gian lận khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Về kinh tế, giảm được chi phí vận chuyển và độ trễ với các hoạt động liên quan đến giấy tờ, tìm ra vấn đề nhanh hơn khi có sự cố. Thêm vào đó, nhà nước sẽ dễ dàng quản lý hơn, giúp cải thiện hình ảnh quốc gia, tạo ra một hệ sinh thái xoay quanh an toàn thực phẩm và quan trọng nhất là tăng sức khỏe của người tiêu dùng do được sử dụng sản phẩm sạch. Việt Nam cũng đã sử dụng quản lý chuỗi cung ứng nhưng là trên nền tảng công nghệ truyền thống, tức là có thể chỉnh sửa và không minh bạch. Còn nền tảng Blockchain đảm bảo tính minh bạch, bất biến”, ông Long nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia và các đại biểu tham dự đều có chung nhận định, việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng Khoa học và Công nghệ ở TP.Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng vai trò của đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chưa được như mong muốn. Cụ thể, phát triển Khoa học và Công nghệ ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự được coi là động lực then chốt để tạo ra sự đột phá về mặt phát triển. Các công nghệ thông minh, tiên tiến góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh hàng hóa… vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại chậm chuyển đổi cũng được xem là rào cản.
Do đó, việc các cấp quản lý nhà nước xem xét việc ứng dụng các mô hình công nghệ theo phương thức hoàn toàn mới, có thể là Blockchain như LINA NETWORK được xem là góp phần đẩy mạnh ứng dụng trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang hướng đến.