Theo chuyên gia Nguyễn Trí Long, việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn khó khăn tài chính, có thể thấy rõ thực chất vấn đề hơn khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng...
>>Khó khăn thực sự của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là gì?
Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long trao đổi với DĐDN về câu chuyện liên doanh tại những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, khi trong những ngày gần đây, một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, giảm thời gian bán hàng do thiếu nguồn cung xuất phát từ việc giảm công suất Nhà máy lọc dầu (NMLHD) Nghi Sơn.
-Ông bình luận gì khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo khó khăn tài chính?
Thực chất, trong việc liên doanh do chúng ta nhìn nhận vấn đề an ninh năng lượng là vấn đề trọng tâm nên phải cố gắng xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn để chủ động cho nguồn an ninh năng lượng. Do đó, trong quá trình ký kết với các đối tác nước ngoài chúng ta đã bị thua thiệt, thậm chí bị “hớ” rất nhiều. Đến thời điểm nay khi giá dầu tăng phía đối tác đã “ép” chúng ta.
Đơn cử, với việc chúng ta chỉ chiếm 25,1% nên chúng ta không thể chủ động do chủ sở hữu có quyền quyết định toàn bộ các vấn đề trong khâu nhập, bán nên đã bị gây khó khăn trong khâu cung ứng.
Cách đây một số tháng, phía đối tác đề nghị Tập đoàn xăng dầu Việt Nam không nhập xăng dầu mà phải mua từ trong nước nếu không sẽ gây tồn đọng. Thẳng thắn nhìn nhận, do trước đây chúng ta đã tạo rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư trong liên doanh này, nhưng chúng ta càng ưu đãi bao nhiêu thì các nhà đầu tư nước ngoài càng đòi hỏi nhiều bấy nhiêu. Đặc biệt trong những thời điểm chúng ta gặp phải những khó khăn.
Từ đây, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đó là cần rút ra kinh nghiệm trong việc ký kết, liên doanh với các đối tác nước ngoài. Trong đó có những lĩnh vực mang tính chất quan trọng như vấn đề an ninh năng lượng.
Gần đây, khi thấy giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng thì phía liên doanh đã dùng “chiêu trò” là nêu ra việc khó khăn về tài chính, nên buộc chúng ta phải nhượng bộ cho họ rất nhiều điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta mãi không thể như thế.
Thực tế, hiện nay nguồn cung ứng trong nước khoảng 70%, chỉ có 30% là của nước ngoài. Từ đó có thể rút ra bài học, trong quá trình kinh doanh xăng dầu, đặc biệt với những sản phẩm có những diễn biến phức tạp và khó lường về giá thì chúng ta phải có cơ chế bảo hiểm giá.
Cơ chế bảo hiểm giá phải giữ vững công cụ hợp đồng hàng hóa phái sinh. Đơn cử, nếu mua và xác định giá ngày hôm nay nhưng giao trong tương lai thì phải thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai hoặc hợp đồng hoán đổi tất cả các vấn đề trên.
Đây là những nghiệp vụ chuyên sâu, nếu chúng ta làm từ trước thì đến hôm nay đã không xảy ra những sự việc như ngày hôm nay. Nhưng đáng tiếc, các vấn đề liên quan đến xăng dầu chúng ta đã không làm một cách chặt chẽ nên đã bị thua lỗ rất lớn.
Đặc biệt, Tập đoàn xăng dầu đã bị thua lỗ rất nhiều, bởi vì khi thấy giá đang lên thì sẽ kỳ vọng sẽ còn tăng lên nữa, nên đã ký hợp đồng đó nhưng khi giá giảm thì lập tức bị thua lỗ. Do đó, vấn đề này đòi hỏi đội ngũ làm thị trường phải giỏi và tinh thông nghiệp vụ.
Các nước luôn dùng công cụ này để phòng ngừa rủi ro và bảo hiểm về giá. Trong khi Việt Nam lại không áp dụng, khi chúng ta đã có Sở Giao dịch Hàng hóa để công bố giá, qua đó đội ngũ tư vấn giá sẽ hướng dẫn có nên ký và thực hiện hợp đồng hay không. Cho nên, trong bối cảnh xăng dầu thời gian qua có những bất ổn thì một bài học rút ra là Việt Nam cần phải sử dụng công cụ bảo hiểm giá, phòng ngừa rủi ro về giá.
Vì thực chất, nguồn cung chúng ta không thiếu do giá trong nước hòa đồng với giá thế giới. Chúng ta không mua trong nước thì có thể mua của nước ngoài, vì mua không phải hôm nay mà ít nhất phải vài ba tuần hàng mới có thể trở về đến Việt Nam.
Qua đây cho thấy, công tác điều hành giá cũng cần phải lưu ý, mặc dù thực chất tổ điều hành giá xăng dầu không có gì sai trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
- Có một điều “lạ”, đó là nhà máy được xây dựng với sứ mệnh nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng vốn góp của Việt Nam (tại NMLHD Nghi Sơn) chỉ chiếm 25,1%, không đủ quyền quyết định những vấn đề quan trọng của nhà máy, thưa ông?
Đây là một bài học kinh nghiệm khi ký hợp đồng, chúng ta đã không nắm quyền chủ động sở hữu vốn nên đã bị “ép”. Mỗi khi gặp khó khăn thì phía đối tác sẽ ra “chiêu trò” như việc cho dừng nhà máy. Thực tế đã chứng minh, khi chúng ta càng ưu đãi thì phía đối tác càng “lấn tới”.
Tôi không muốn mổ sẻ sâu thêm vấn đề này, vì “giấy trắng mực đen” nên không thể thực hiện khác được. Vì nếu làm sai hợp đồng phía đối tác kiện ra tòa thì cũng “chết”, bên cạnh đó sẽ gây mất niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài.
-Từ đây đưa ra “hồi chuông” cảnh báo gì cho chúng ta lưu ý điều gì trong việc đàm phán liên doanh liên kết của doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp thuộc ngành quan trọng của nền kinh tế, thưa ông?
Tôi nhấn mạnh lại, đây là một bài học “xương máu”, khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, kinh tế với đối tác nước ngoài thì chúng ta phải nắm được quyền chủ động và quyết định được tất cả mọi việc. Vì với việc chúng ta chỉ nắm giữ 25,1% thì phía đối tác gây khó khăn, thậm chí ra nhiều “yêu sách” ưu đãi nhưng chưa bao giờ cảm thấy hài lòng, nếu họ “ép” được chúng ta thì cứ “ép”.
Bài học lớn nhất trong vấn đề này là chúng ta đã cho phía đối tác nước ngoài quá nhiều ưu đãi, đồng thời vốn chủ sở hữu quá ít nên mọi việc quyết định đều nằm trong tay đối tác nước ngoài. Khi gặp khó khăn lập tức họ ra “yêu sách”, nếu không thực thi sẽ gây “khó dễ” cho chúng ta.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm