Trong khi chờ phiên đấu giá diễn ra vào ngày 30/3 tới, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt cho Cty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần của TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) và trở thành cổ đông chiến lược của Tcty này.
Với giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu (IPO) Hapro là 12.800 đồng/cp, cổ đông chiến lược phải bỏ ra số tiền tối thiểu 1.830 tỷ đồng.
Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Hapro dự kiến sẽ bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1,07 triệu cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75,93 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ và 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ.
Được biết, cổ phần của Hapro được định giá 10.000 đồng/CP theo giá trị sổ sách với tổng cộng 220 triệu cổ phần tương ứng số tiền 2.200 tỷ đồng.
Với giá chào bán khởi điểm là 12.800 đồng/cp, Hapro dự kiến sẽ thu về tối thiểu 971 tỷ đồng từ đợt IPO này nếu diễn ra thành công. Với việc thoái toàn bộ vốn tại Hapro, Chính phủ sẽ thu gần 1.000 tỷ từ thương vụ này.
Tính từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã huy động được tổng cộng 832,03 triệu USD từ các đợt IPO của ba Cty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PV Power, PV Oil và Lọc dầu Bình Sơn), Tcty Phát điện 3 (EVN Genco 3), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), và gần đây nhất là Cty Mía đường Việt Nam II (Vinasugar II).
1.830
tỷ đồng là tổng số tiền tối thiếu mà cổ đông chiến lược phải bỏ ra để mua toàn bộ 65% cổ phần của Hapro.
Hapro là Tcty đầu tiên của thành phố Hà Nội thực hiện cổ phần hóa. Hoạt động chính của Tcty là kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng thương mại.
Hapro thực hiện thuê đất của Nhà nước và sẽ phải trả tiền thuê đất theo phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất; giải quyết các tồn tại về nhà, đất (nếu có) trước khi chính thức chuyển thành Cty cổ phần.
Theo Ban Lãnh đạo Hapro, số tiền mà cổ đông chiến lược bỏ ra để mua toàn bộ lợi thế đất đai mà Hapro đang có sẵn, hệ thống siêu thị lớn nội ngoại thành, hệ thống chợ đầu mối, những thương hiệu kinh doanh lâu đời gắn liền với người dân Hà Nội như Thủy Tạ, chợ Bưởi, gốm Chu Đậu… sẽ không khó hiểu khi IPO Hapro được nhiều nhà đầu tư mong ngóng.
“Thân thế”của Vinamco
Theo phê duyệt của UBND TP. Hà Nội thì Vinamco tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro và trở thành cổ đông chiến lược của Hapro. Mức giá chào bán tối thiểu sẽ không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của phiên IPO.
Vinamco không còn là cái tên quá xa lạ trong những thương vụ IPO, thoái vốn Nhà nước những năm gần đây. Năm 2016, cty này từng chi ra 1.250 tỷ đồng để mua 97,7% cổ phần của Tcty Vinamotor từ Bộ Giao thông Vận tải. Ngoài ra, Vinamco cũng từng ngỏ ý tham gia mua 36% cổ phần của TCty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)
Hiện Vinamco đang vận hành showroom Honda Tây Hồ - một đại lý lớn của Honda Việt Nam. Ngoài Vinamotor, hiện Vinamco còn là cổ đông chiến lược của Cty Thương mại Thời trang Hà Nội (Hafasco) và nắm giữ cổ phần của Cảng Sài Gòn.
Vinamco là đơn vị trực thuộc Tập đoàn BRG- đây là tập đoàn được biết đến với một loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng như khách sạn Hilton Hà Nội, sân golf Đồng Mô, sân golf Đồ Sơn... Ngoài ra, BRG cũng tham gia đầu tư vào khá nhiều đợt IPO lớn trong những năm qua như trở thành cổ đông chiến lược của Thăng Long GTC, OSC Việt Nam, In Trần Phú… Được biết, Tập đoàn BRG hiện có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng (tính đến tháng 6 năm 2015), đang sở hữu rất nhiều bất động sản lớn có giá trị cao tại những khu “đất vàng” Hà Nội.
Trao đổi với DĐDN, Ban Lãnh đạo Hapro cho biết, ngoài Vinamco, hiện chưa có đối tác nào sẵn sàng để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro. Như vậy, nhiều khả năng Vinamco sẽ trở thành cổ đông chiến lược duy nhất của TCty này.
Thách thức với nhà đầu tư chiến lược Mặc dù kết quả kinh doanh không hiệu quả nhưng điểm hấp dẫn chết người của Hapro lại đến từ quỹ đất mà Tcty này quản lý. Trước cổ phần hóa, Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Theo phương án phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành. Ngoài ra, Hapro còn được tiếp tục sở hữu hàng loạt khu công nghiệp thực phẩm; trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long; dự án điểm đỗ xe; cụm nhà ở với diện tích hàng trăm nghìn m2... Từ những phân tích trên, cho thấy quỹ đất rộng lớn mà Hapro đang quản lý mới thực sự là điểm thu hút các cổ đông chiến lược. Thời điểm hiện tại, Hapro đang có hiệu quả hoạt động kinh doanh khá thấp. Năm 2017, doanh thu mục tiêu của công ty đặt ra 4.488 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế chỉ ước đạt chưa đầy 33 tỷ đồng. Đây cũng là thách thức đối với cổ đông chiến lược. Sau khi Vinamco trở thành cổ đông chiến lược của Hapro, nếu BRG đứng ra quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hapro thì có thể tận dụng được tối đa những tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp này. Bởi vì, BRG có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, BRG cũng đã tham gia vào một doanh nghiệp có hoạt động tương đồng với Hapro, đó là CTCP Intimex Việt Nam – một công ty kinh doanh siêu thị, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và kinh doanh bất động sản đang sở hữu quỹ đất khổng lồ. Tuy nhiên, Vinamco là một doanh nghiệp không hoạt động trong những lĩnh vực giống như Hapro, mà đứng ra tiếp quản, điều hành, quản lý hoạt động của Hapro, thì liệu có giúp doanh nghiệp này vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay? |