Lộ diện quán quân lợi nhuận

Phương Hà 10/11/2018 11:03

Vượt qua VCB, GAS, CTCP VinHomes (HoSE: VHM) là tân binh mới trên sàn chứng khoán giành ngôi vị quán quân về lợi nhuận. Tuy nhiên, việc duy trì vị trí này cũng là thách thức không nhỏ với VHM.

VHM tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Đầu năm 2018, Cty đổi tên thành CTCP Vinhomes và bắt đầu thực hiện tái cấu trúc, tăng vốn điều lệ lên 26.796 tỷ đồng.

p/Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHM

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHM

Quán quân về lợi nhuận

VHM vừa công bố báo cáo hợp nhất quý 3/2018. Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 6.878 tỷ đồng, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 4.039 tỷ đồng, tăng 177% so với cùng kỳ 2017.

Theo giải trình của VHM, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh là do Cty đã cùng hợp tác phát triển các dự án lớn. Trong đó, doanh thu từ hợp tác kinh doanh 3 dự án bất động sản (BĐS) là Vinhomes The Harmony, Vinhomes Imperia, Vinhomes Dragonbay đã mang lại cho VHM khoản thu nhập 1.304 tỷ đồng trong qúy 3...

Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, VHM đạt 22.400 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 85% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.196 tỷ đồng, tăng 328% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận này đã giúp VHM giữ vị trí quán quân trên sàn chứng khoán. Ngoài VHM, chỉ có 2 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng là VCB (11.683 tỷ đồng) và PV Gas (11.280 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2018, tổng tài sản VHM đạt 138.195 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 46.275 tỷ đồng, tăng lần lượt là 169% và 357% so với cuối năm 2017.

Tái cấu trúc để phát triển

Có thể nói, năm 2018 là năm đầu tiên đánh dấu việc tái cấu trúc theo hướng tập trung các hoạt động kinh doanh BĐS của Vingroup. Theo đó, VHM chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển, quản lý và vận hành các dự án BĐS mang thương hiệu Vinhomes và VinCity. Trên cơ sở đó, Cty nhận chuyển giao các dự án BĐS, đồng thời tìm kiếm cơ hội mua hoặc hợp tác với các đối tác có uy tín khác để gia tăng lợi nhuận.

Vì vậy, có thể hiểu việc tăng vốn nhanh của VHM nhằm tái cấu trúc, đưa các dự án BĐS của Vingroup và các Cty thành viên về một mối; đồng thời phát huy lợi thế tập trung, tối ưu hóa nguồn nhân lực cũng như tài chính và thương hiệu của Cty

12.196 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế của CTCP Vinhomes trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 328% so với cùng kỳ 2017.

Trong năm 2018, VHM dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao các căn hộ và biệt thự thuộc các dự án đã mở bán như Vinhomes Central Park, Vinhomes Green Bay, Vinhomes Metropolis. Bên cạnh đó, với quỹ đất đang có kế hoạch triển khai sẽ là nền tảng giúp VHM có những bước phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững, mang lại niềm tin cho khách hàng, giá trị cho cổ đông và nhà đầu tư.

Thách thức với VHM

Trong những năm gần đây, khi thị trường BĐS đã khởi sắc trở lại thì hoạt động của các doanh nghiệp BĐS tại Việt Nam cũng trở nên sôi nổi hơn. Các Cty BĐS liên tục mở bán các dự án mới tại nhiều vị trí khác nhau và ở nhiều phân khúc khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Trên thực tế, VHM còn phải cạnh tranh với các Cty BĐS khác trên nhiều phương diện như vị trí của dự án, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng xung quanh dự án, các dịch vụ tiện ích đi kèm và giá bán dự án. Do vậy, để tăng tính cạnh tranh cũng như để tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường BĐS Việt Nam, VHM đã và đang tiếp tục định hướng đến những phân khúc thị trường được các nhà đầu tư quan tâm. Đồng thời, Cty cũng phát huy tối đa lợi thế hạ tầng đồng bộ và lợi ích cộng hưởng từ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Cty mẹ là Vingroup.

VHM đang đẩy mạnh tối ưu hóa nguồn nhân lực cũng như tài chính, uy tín và thương hiệu, đặc biệt là kinh nghiệm và năng lực phát triển dự án và bán hàng, từ đó giúp Cty duy trì tốt hoạt động kinh doanh, tăng cường và tiếp tục phát huy thế mạnh để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng tốt sau tái cấu trúc.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, các yếu tố đầu vào trọng yếu của Cty gồm hai nhóm chính: Giai đoạn đầu tư và phát triển dự án: chi phí liên quan đến quỹ đất và các nguyên vật liệu sử dụng để xây dựng các dự án BĐS và giai đoạn vận hành các dự án BĐS đã đi vào hoạt động: chi phí dịch vụ mua ngoài (vệ sinh, kỹ thuật, bảo vệ... ) và các chi phí tiện ích (điện, nước...). Đây là những yếu tố đầu vào quan trọng, quyết định hiệu quả đầu tư các dự án BĐS do Cty đang phát triển, và hiệu quả hoạt động kinh doanh của Cty phụ thuộc nhiều vào sự biến động các chi phí này. Do vậy, nếu VHM không chú trọng tới các yếu tố đầu vào và có giải pháp phù hợp để quản trị thì đây sẽ chính là những rủi ro với VHM trong việc duy trì ngôi vị quán quân về lợi nhuận trên sàn chứng khoán…

Chặn “bong bóng” bất động sản

Theo báo cáo của NHNN, tính đến đầu năm 2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS, xây dựng của các TCTD là 529.579 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,14% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, được đánh giá vẫn ở trong ngưỡng an toàn. Tuy vậy, một số chuyên gia đánh giá rằng, mặc dù NHNN đã có động thái thắt chặt huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực BĐS, nhưng cho vay BĐS thường có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn và lãi suất cho vay cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi có cơ hội, các TCTD vẫn tập trung cho vay nhiều đối với lĩnh vực BĐS. Khi dòng vốn dành quá nhiều vào lĩnh vực này sẽ đẩy giá BĐS tăng cao, tạo nguy cơ "bong bóng" BĐS.

Để đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển ổn định, ông Nguyễn Văn Sinh- Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng cần giảm hạn mức cho vay đối với các dự án BĐS cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng vốn lớn cho nhiều dự án BĐS; đồng thời cần tăng hạn mức cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp.

Theo đó, Quốc hội cần sớm ban hành chính sách thuế để chống đầu cơ trong lĩnh vực BĐS (sửa đổi, bổ sung Luật Thuế đất phi nông nghiệp hiện hành hoặc ban hành Luật Thuế tài sản) theo hướng đánh thuế cao đối với các trường hợp có nhiều nhà đất và các trường hợp đầu cơ, mua BĐS rồi bán trong thời gian ngắn, và ủy quyền cho Chính phủ được điều chỉnh mức thuế giao dịch BĐS để kịp thời bình ổn thị trường khi xảy ra diễn biến bất thường. Nếu những chính sách này được thực thi sẽ là tiền đề cho các doanh nghiệp BĐS phát triển ổn định và hạn chế rủi ro trong kinh doanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lộ diện quán quân lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO