Chính sách - Quy hoạch

Lo ngại tác động trái chiều từ bảng giá đất mới

Vi Anh 26/12/2024 05:00

Động thái áp dụng bảng giá đất mới của Hà Nội mới đây đã có những ý kiến trái chiều về tác động lên thị trường bất động sản.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành bảng giá đất mới, có hiệu lực ngay lập tức và được áp dụng hết ngày 31/12/2025.

Ảnh chụp Màn hình 2024-12-25 lúc 19.34.48
Hà Nội đã ban hành bảng giá đất mới được áp dụng hết năm 2025

Bảng giá mới tăng 2-6 lần

Trong bảng giá đất mới, Hà Nội đã bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến nguyên tắc xác định vị trí đất, giá đất theo chiều sâu thửa đất và mức giá giảm dần theo khoảng cách. Theo đó, vị trí đất được xác định dựa trên khả năng sinh lợi, điều kiện cơ sở hạ tầng và khoảng cách tiếp cận đường, phố có tên trong bảng giá đất.

Theo quyết định điều chỉnh mới, bảng giá đất sẽ tăng 2 - 6 lần so với bảng giá cũ. Trong đó, mức giá cao nhất của TP thuộc quận Hoàn Kiếm với 695,3 triệu đồng/m2, áp dụng cho các tuyến đường như Lê Thái Tổ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Bà Triệu (đoạn từ Hàng Khay đến Trần Hưng Đạo), Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng (đoạn từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ). Tại quận Ba Đình, mức cao nhất cũng lên tới 450,8 triệu đồng/m2 trên tuyến Phan Đình Phùng…

Mặc dù bảng giá đất mới cao hơn khá nhiều so với bảng giá cũ, ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng mức giá mới vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá thực tế trên thị trường. Do đó, bảng giá đất mới không tác động nhiều đến thị trường bất động sản Hà Nội vốn "tăng ảo, sốt nóng" thời gian qua.

Ảnh chụp Màn hình 2024-12-25 lúc 19.36.12
Mặc dù bảng giá đất mới cao hơn khá nhiều so với bảng giá cũ song vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá thực tế trên thị trường.

Ý kiến trái chiều về tác động

Theo ông Nguyễn Anh Quê nhận định, bảng giá đất mới này lại có ý nghĩa rất nhiều trong việc xây dựng giá khởi điểm trong công tác đấu giá đất vốn bất cập trong thời gian qua ở Hà Nội. Cụ thể, bảng giá đất mới sẽ làm giá khởi điểm tăng lên, số tiền đặt cọc nhiều hơn, lượng hồ sơ nộp sẽ ít hơn qua đó thanh lọc được nhiều khách hàng không có năng lực tài chính mua mà chỉ đủ tiền đặt cọc hoặc rải nhiều hồ sơ khiến công tác đấu giá gặp nhiều khó khăn, bị biến tướng.

"Việc đền bù lâu nay ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn do khung giá đất thấp khiến cho bảng giá đền bù thấp khiến người dân không đồng thuận trong việc di rời. Bảng giá đất nâng lên tuy chưa tiếp cận giá thị trường nhưng tôi chắc chắn rằng nhiều người dân đang bị thu hồi đất sẽ vui mừng do số tiền được nhận nhiều hơn, đỡ thiệt thòi hơn", vị chuyên gia nói.

Ngoài ra, việc ban hành bảng giá đất mới góp phần đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư, nhà đầu tư cũng nhìn rõ hơn bài toán kinh doanh, từ đó cán bộ thực hiện công tác định giá đất cũng yên tâm trong việc chấp hành nhiệm vụ.

Ông Vũ Kim Giang - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn SGO (SGO Group) nhận định, bảng giá đất mới của Hà Nội sẽ giúp minh bạch hơn về giá cho từng khu vực, là cơ sở để đẩy mạnh công tác định giá đất vốn bị vướng nhiều năm qua. Từ đó, giúp khơi thông một số dự án đang bị ách tắc.

Tuy nhiên, khi chi phí đầu vào các dự án tăng tăng theo bảng giá đất mới, các doanh nghiệp cần phải có kinh nghiệm và nguồn lực tài chính mạnh mới có thể tiếp tục cạnh tranh, đồng thời dẫn đến việc giá bán đầu ra tại một số khu vực có thể bị đẩy lên cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest bày tỏ quan ngại rằng việc giá đất tăng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. “Việc tăng giá đất gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Các chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên, từ đó làm giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả”, ông Hiệp chia sẻ.

Theo ông Hiệp, việc giá đất tăng cao, đặc biệt chiếm khoảng 40% đối với giá thành căn hộ, gây áp lực lên cả tâm lý và chi phí của người dân, khiến sức mua giảm sút, gây áp lực lên nền kinh tế, làm mất cân bằng thị trường.

“Nếu thị trường bất động sản rơi vào tình trạng ế ẩm, tồn đọng kéo dài, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ là những đơn vị chịu tác động tiêu cực đầu tiên. Việc đầu tư lớn vào dự án mà không thể tiêu thụ được sản phẩm sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tài chính, đe dọa sự tồn tại của doanh nghiệp”, ông Hiệp trăn trở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lo ngại tác động trái chiều từ bảng giá đất mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO