Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
“Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới, cần có giải pháp và tầm nhìn tổng thể, định hình hướng đi mới để bắt kịp với xu hướng thế giới, tạo đột phá cho phục hồi kinh tế - xã hội”.
>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn: “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển"
Đó là phát biểu của ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và SEA Logistic Partners (SLP Việt Nam) phối hợp tổ chức sáng nay (19/10) tại TP HCM.
Theo Phó chủ tịch VCCI, nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động, nơi giao lưu của nhiều luồng hàng hoá trên thế giới, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics, với nhiều giải pháp toàn diện, thể hiện rõ cam kết của Chính phủ nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm bớt chi phí logistics. Dưới sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và rất nhiều các biến động về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh trên thế giới, logistics đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc liên kết chặt chẽ các bên liên quan, duy trì và chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững. Bất chấp sự ảnh hưởng từ COVID-19, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, cơ hội đến từ logistics cho thương mại điện tử, những hiệp định thương mại tự do (FTA) và những điều kiện chúng ta được thụ hưởng sẽ là cơ sở phát triển ngành logistics nói riêng và các ngành khác cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung.
“Trong giai đoạn hiện tại, ngành logistics cũng đã gặp một số khó nhăn nhất định, chuỗi cung ứng đứt gãy, sự liên kết và đa phần các doanh nghiệp trong ngành thuộc quy mô nhỏ và vừa năng lực tận dụng các cơ hội cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, cần có sự liên kết chuỗi chặt chẽ hơn, có sự đồng tâm vạch ra định hướng cho sự phát triển của ngành.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Quy mô và phạm vi dịch vụ các trung tâm logistics của hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp hoặc trong phạm vi mang tính địa phương, chưa phát triển đến quy mô phục vụ 1 ngành hoặc 1 vùng kinh tế.
>>Chính sách mở đường thị trường logistics
Chính vì vậy, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới, cần có giải pháp và tầm nhìn tổng thể, định hình hướng đi mới để bắt kịp với xu hướng thế giới, tạo bước đột phá cho phục hồi kinh tế - xã hội trong những năm tới đây”, ông Hoàng Quang Phòng nói.
Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đặt mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Theo đó, giao nhiệm vụ cho VCCI và các hội, hiệp hội xây dựng, lồng ghép tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số vào bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Xây dựng các chương trình đào tạo hỗ trợ chuyển đổi số và phân tích kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số.
Đồng thời tham gia góp ý, phản biện cho các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; tham gia đánh giá, xếp hạng về chuyển đổi số; tổ chức các hội thảo, diễn đàn, đối thoại về chuyển đổi số trong đó có lĩnh vực logistics.
Theo vị Phó chủ tịch VCCI, để triển khai nhiệm vụ này, VCCI đã thành lập Nhóm công tác về logistics gồm các thành viên trong Ban chấp hành VCCI. Đồng thời, kiến nghị thành lập Tổ công tác liên Bộ Giao thông Vận tải và Công thương để rà soát tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành logistics khi đề xuất các chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình chi phí logistics “leo thang” và thiếu hụt về số lượng container nghiêm trọng năm 2021.
Đặc biệt mới đây, VCCI đã hợp tác cùng VLA khởi động Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index - LCI) Việt Nam 2022.
Từ kinh nghiệm của PCI, VCCI sẽ đồng hành cùng VLA triển khai LCI đem đến một “bức tranh” chung về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, từ đó giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, LCI là công cụ đắc lực để phản biện chính sách – một trong bốn trụ cột xây dựng nên hệ thống logistics Việt Nam, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.
“Đặc biệt, diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển" hôm nay cũng là cầu nối các doanh nghiệp hạ tầng logistics Việt Nam cùng giao lưu, chia sẻ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực logistics, hạ tầng khu công nghiệp, thương mại điện tử, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, qua đó học hỏi, kịp thời điều chỉnh những yếu kém tồn tại để tự tin đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Các ý kiến sẽ được VCCI tổng hợp, kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ, hướng đến đóng góp sáng kiến cùng các cơ quan chuyên môn trong định hướng xây dựng và vận hành thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển mình thật sự của ngành logistics Việt Nam", Phó chủ tịch VCCI khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
06:21, 19/10/2022
04:30, 19/10/2022
04:00, 19/10/2022