Theo WB, hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm.
>>>Logistics cho nông sản ĐBSCL: “Tàu buýt container” - lời giải cắt giảm chi phí
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình và dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để thúc đẩy phát triển vùng.
Nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW, khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đánh giá ĐBSCL giàu tiềm năng, lợi thế nhưng còn phát triển chậm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 13/NQ-TW sẽ góp phần để vùng “đứng dậy” làm chủ và “vươn lên” mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước.
Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh những lợi thế của vùng ĐBSCL. Đó là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là Vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông, nên có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước.
Vùng nằm liền kề tuyến hàng hải Đông-Tây, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, kết nối Nam Á và Đông Á cũng như với Australia và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương, với chiều dài hơn 700 km bờ biển, chiếm 23% bờ biển cả nước, khoảng 360.000km2 vùng biển và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế. Vùng có các quần đảo Thổ Chu, Nam Du và đảo Phú Quốc là những chuỗi đảo hết sức quan trọng kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ Dương.
Trên thực tế, đây là vùng đóng góp sản lượng hàng hoá nông sản lớn nhất cả nước với 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu…
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách phát triển vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế chung của cả nước như: Quyết định số 939/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020; Quyết định số 492/QĐ-TTg phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; Quyết định 26/2008/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2010. Và gần đây là Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL …
Với sự ưu tiên các nguồn lực, sự nỗ lực của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, kinh tế-xã hội của vùng có sự thay đổi mạnh mẽ. Phát biểu kết luận hội nghị "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long" gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định ĐBSCL phải có quy hoạch tốt bởi có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt rồi mới có nhà đầu tư tốt và khi có nhà đầu tư tốt rồi thì sẽ có sản phẩm tốt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, xung lực mới cho ĐBSCL phải bắt đầu từ liên kết vùng. “Liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa “Nhà nước – Thị trường – Xã hội”, kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới”.
Theo chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện, dù đang đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động lớn của tự nhiên, nhưng nếu biết cách khéo léo vượt qua, ĐBSCL hoàn toàn đủ khả năng trở nên thịnh vượng, thành hình mẫu cho các đồng bằng khác trên thế giới, tự tin tạo dựng thương hiệu ĐBSCL.
>>>26/05: Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản ĐBSCL
>>>Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: ĐBSCL cần hướng tới phát triển xanh và toàn diện
Tuy nhiên, để hiện thực được những điều này, ĐBSCL cần vượt qua nhiều rào cản trong quá trình phát triển. Đặc biệt trong đó là những tư duy mới trong phát triển của vùng. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng…
Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và phần lớn lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TPHCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 – 40% tùy từng tuyến.
Thực tế diễn ra tại ĐBSCL còn cho thấy, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho rằng, trong tương lai với nhu cầu về lương thực thực phẩm phát triển; các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang có lợi thế phát huy, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ càng lớn hơn.
“Điều này làm cho áp lực về vận tải, logistics và cảng biển càng lớn. Do hạn chế của hạ tầng giao thông ĐBSCL khiến logistics chưa được nhiều doanh nghiệp trong ngành quan tâm. Bởi lẽ, đầu tư với hạ tầng đang còn yếu thì các doanh nghiệp không có tỉ suất lợi nhuận cao. Điều này chỉ ra mặc dù là nhược điểm, hạn chế của ĐBSCL nhưng lại là cơ hội mới cho ngành logistics”, ông Lam chỉ ra.
Để đáp ứng với sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, vùng ĐBSCL có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics, nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của toàn vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Cụ thể như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.
...Còn tiếp
Có thể bạn quan tâm
06:11, 08/05/2022
04:00, 08/05/2022
07:56, 08/05/2022
01:30, 09/05/2022