Logistics cho nông sản ĐBSCL: Liên kết phát triển logistics liên vùng

Diendandoanhnghiep.vn Tương lai, sự phát triển logistics tại ĐBSCL cần đảm bảo được tính liên kết của các địa phương trong một vùng hoặc trong tiểu vùng, tránh phân mảnh và manh mún.

>> LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Giải pháp cấp bách để phát triển bền vững

Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 13 tỉnh thành phố trực thuộc, là khu vực kinh tế quan trọng của đất nước, đặc biệt là đối với một số nhóm hàng như về lương thực, thuỷ sản, trái cây.

Chính vì vậy vai trò của ĐBSCL trong bối cảnh phát triển kinh tế chung của đất nước là rất quan trọng và là nhân tố góp phần vừa đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, vừa tạo nguồn hàng lớn để duy trì xuất khẩu. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

-Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản đang khiến logistics ĐBSCL còn chưa phát triển đúng với tiềm năng, kém sức hút với doanh nghiệp, thưa ông?

Với lượng hàng hóa lớn như vậy nhu cầu về logistics của khu vực ĐBSCL hết sức cấp thiết, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL đến các vùng miền trên cả nước và xuất khẩu đạt kết quả cao nhất. Yêu cầu trước hết là giảm thời gian, giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng hàng hoá nông sản.

Tuy nhiên logistics ở khu vực này chưa được phát triển như mong muốn, đồng thời chưa phát triển so với các khu vực khác như ở Đồng bằng sông Hồng hay Đông Nam bộ. 

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trạng này, trước hết là về mặt hạ tầng. Hiện nay khu vực ĐBSCL còn thiếu hạ tầng bài bản như các tuyến đường cao tốc còn thiếu, đường sắt chưa có, có các cảng hàng không nhưng ở quy mô nhỏ và chưa có các trung tâm xử lý hàng hóa hàng không.

Bên cạnh đó, vận tải đường biển và đường thủy cũng có hiện tượng bồi lắng do đó các tàu lớn không vào sâu được khu vực trung tâm của ĐBSCL như cần Thơ, Hậu Giang. Chính những yếu tố này làm hạn chế khả năng tiếp nhận hàng hóa và lưu lượng hàng hóa đi qua khu vực này bằng đường sông.

Có thể thấy hạ tầng là yếu tố quan trọng nhưng lại đang cản trở sự phát triển của khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế vào quy mô còn rất là nhỏ đây cũng là điều gây cản trở và hạn chế cho việc phát triển dịch vụ logistics của khu vực ĐBSCL.

- Còn tính liên kết của các địa phương trong phát triển logistics khu vực này đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Logistics ở ĐBSCL chưa có sự phát triển rõ nét. Chúng ta có thể thấy có một yếu tố là sản xuất kinh tế của các địa phương ở khu vực ĐBSCL khá tương đồng, cơ bản là sản xuất về nông nghiệp như lương thực, các loại trái cây và các mặt hàng thủy sản. Bên cạnh đó có một số sản phẩm công nghiệp như dệt may, đồ gỗ.

Chính bởi những sản phẩm như vậy mà đặc biệt là sản phẩm nông sản rất tương đồng nên quy hoạch về logictics không chỉ là của một địa phương cụ thể mà sẽ cho cả một khu vực hoặc một tiểu khu vực cho ĐBSCL, có thể nhóm từ 3-5  tỉnh thành.

Chúng ta thấy, khu vực hiện nay đang có sự phát triển cao hơn các địa phương khác là khu vực Cần Thơ và Hậu Giang, nằm trên phía bờ Nam của sông Hậu và một nhóm khác là khu vực Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau và Bạc Liêu. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa thấy sự hình thành rõ nét về hạ tầng logistics ở các khu vực này, ngoại trừ khu vực cần Thơ và Hậu Giang đã phát triển một vài kho lạnh và có những cảng biển tạm gọi là lớn như Cảng Cần Thơ, Cảng Hậu Giang, Tân Cảng Cái Cui. Nhưng sự hình thành như vậy cũng chưa tạo sự liên kết rõ nét của các khu vực.

Tương lai khi logistics tại khu vực này phát triển thì vai trò của liên kết vùng sẽ hết sức quan trọng, tránh tạo sự phân mảnh và manh mún của các địa phương.

Đặc biệt, với đặc thù là quy mô diện tích của các địa phương thường là các tỉnh ở quy mô trung bình và trung bình nhỏ do vậy nếu quy hoạch logistics theo địa phương thì ranh giới địa phương sẽ hẹp không đảm bảo được tính liên kết của các địa phương trong một vùng hoặc trong tiểu vùng.

>> LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Bảy đề xuất phát triển toàn diện và liên kết vùng

>> Logistics Cần Thơ: Khơi thông điểm nghẽn để bứt phá

>> LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Liên kết phát triển chuỗi dịch vụ cho nông sản

 -Vậy ông có đề xuất tháo gỡ khó khăn như thế nào cho sự phát triển của ngành logistics của vùng ĐBSCL? Cũng như hiến kế giúp các địa phương thu hút được nguồn lực xã hội đầu tư phát triển logistics của vùng?

Hiện nay chính phủ đang ngày càng quan tâm tới việc phát triển kinh tế của ĐBSCL nói chung và của ngành logictics ĐBSCL nói riêng. Thể hiện qua việc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, cao tốc Trung Lương -Mỹ thuận, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… Bên cạnh đó, cũng quan tâm đầu tư những khu vực như Cảng Trần Đề và nâng cấp cảng thuộc khu vực Cần Thơ. Đây là những việc thể hiện quyết tâm lớn của Chính Phủ giúp cải thiện hạ tầng.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp là việc hết sức quan trọng và điều đó thì Chính Phủ không thể thay. Chúng ta rất cần những doanh nghiệp lớn đầu tư vào hạ tầng, ví dụ như kho bãi, các trung tâm logictics ở khu vực đồng bằng sông cửu long phù hợp với đặc điểm hàng hóa ở đó về trái cây, thuỷ sản hoặc về lương thực.

Chúng ta cũng cần các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực về giao nhận, kiểm định, bảo hiểm hiện diện ở khu vực này để giúp các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp thương mại của khu vực có những đối tác tin cậy, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL lên các cảng lớn như cảng Cái Mép, Cảng Cát Lái.

Một hoạt động logistics cũng rất quan trọng tại khu vực này đó là quá cảnh hàng hóa sang Campuchia thông qua các tuyến đường sông trên sông Tiền và sông Hậu. Việc chúng ta tạo thuận lợi cho luồng hàng như vậy cũng giúp cho nhiều doanh nghiệp có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh nâng cao hiệu quả năng lực của logistics của khu vực ĐBSCL. 

-Việc hình thành trung tâm logistics của vùng ông đánh giá đã là cấp thiết? Cần xác định hướng phát triển cũng như cơ chế ưu đãi như thế nào cho việc xây dựng phát triển trung tâm logistics phù hợp với đặc trưng, nhu cầu những mặt hàng của các địa phương trong vùng mà ông vừa nói?

Quốc Hội đã có Nghị quyết 45/2022/QH15 về cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ, đây là một tiền đề tốt trong những trung tâm như vậy. Hạ tầng logictics có thể nằm trong các trung tâm đó và sẽ được hưởng các ưu đãi cụ thể. Việc hình thành một trung tâm logictics hay một HUB về logictics tại Cần Thơ đã tạo điều kiện rất thuận lợi.

Ngoài ra chúng ta rất cần những trung tâm ở các khu vực khác ví dụ như Cà Mau hiện là một trung tâm lớn về chế biến thuỷ sản, cần trung tâm logistics lớn đặt tại vùng này.

Cả dọc đường biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, hay khu vực Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long tập trung nhiều về trái cây cũng cần các cơ sở lưu trữ trái cây, cũng như kiểm dịch, chiếu xạ. Hoặc là khu vực sản xuất thuỷ sản, cá tra hay lúa gạo như An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang… chúng ta cũng cần các trung tâm logistics thích hợp để hỗ trợ cho việc xuất khẩu nông nghiệp ở khu vực này.

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Logistics cho nông sản ĐBSCL: Liên kết phát triển logistics liên vùng tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714127632 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714127632 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10