Để nông nghiệp 4.0 được trở thành sự thật, cần sự đồng lòng giữa cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp và cộng đồng làm nông nghiệp.
Để giải bài toán nông nghiệp 4.0 yêu cầu trước nhất là phải khắc phục được những khó khăn chung của ngành nông nghiệp như đã nói ở kì trước - Bao giờ Việt Nam có nền nông nghiệp 4.0; đồng thời phải vượt qua được trở ngại về công nghệ số. Trong nhiều ý kiến đã được đưa ra, mới đây, Nhóm công tác nông nghiệp của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã có khuyến nghị cụ thể liên quan tới vấn đề này.
Theo Nhóm công tác nông nghiệp, để nâng cao sản lượng và bảo vệ môi trường tốt hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, điều quan trọng đó là phải tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đó là việc ứng dụng các kết nối, phân tích và quản lí dữ liệu lớn.
Dẫn chứng về điều này, Nhóm công tác đã chỉ ra, hiện nay nông nghiệp chính xác (sử dụng vệ tinh định vị, cảm biến điều khiển từ xa và các công cụ khác để có thể canh tác từng mét vuông đất một cách hiệu quả và bền vững nhất có thể) đang là một thực tế dần trở nên phổ biến, và IT đã đạt đến mức không chỉ đơn thuần là thu thập số lượng dữ liệu, mà còn có thể sử dụng các bộ vi xử lý rẻ và nhỏ gọn để phân tích các dữ liệu này nhằm điều khiển các thiết bị khác nhau hoặc theo dõi từng cá thể vật nuôi.
Theo quan điểm của Nhóm công tác này, dữ liệu lớn có thể mang đến sản lượng tốt hơn và bảo vệ môi trường hơn. Dẫn chứng kết quả ứng dụng của các trang trại ở Đức cho thấy, những trang trại đã sử dụng công nghệ kĩ thuật số hiện đại có được sản lượng trên một ha cao hơn, giảm thiểu lượng khí thải nitơ đáng kể, cũng như giảm lượng thuốc diệt cỏ và dầu sử dụng lần lượt là 10 và 20%.
Hiện nay, đã có một số lượng lớn nông dân ở châu Á và Việt Nam đang bắt đầu áp dụng công nghệ số và các phát minh sử dụng dữ liệu. Nhờ vào kết nối kĩ thuật số, các thiết bị nông nghiệp thông minh có thể kết nối với nhau trong cùng một quy trình xử lý, ví dụ như dự báo thời tiết, đặt hàng các thiết bị tự động hoặc truy cập các thông tin cụ thể từ một phần mềm nông trại trung tâm trên đám mây (cloud).
Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo của nhóm công tác nông nghiệp, hiện nay Việt Nam còn rất nhiều nông dân vẫn đang mắc kẹt ở Công nghiệp 3.0, sử dụng một máy tính cá nhân đơn giản, internet, ICT, và rất rất nhiều vẫn còn ở Công nghiệp 2.0, phụ thuộc vào điện thoại, bóng đèn, và động cơ đốt trong. Họ còn một quãng đường rất dài mới hiểu và áp dụng được những lợi thể của Công nghiệp 4.0.
Theo đó, quy trình số hóa trong nông nghiệp vẫn còn chậm. Ngoài ra, mặt bằng chung áp dụng của các phần mềm và giải pháp nông nghiệp trên thế giới vẫn còn chậm và thấp hơn nhiều so với dự kiến, và khả năng xử lý của các hệ thống số vẫn chưa được sử dụng đúng mức tại các trang trại.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 06/12/2018
11:03, 03/12/2018
11:37, 01/12/2018
02:50, 28/11/2018
Chính vì vậy, dựa trên hiện trạng ứng dụng công nghệ của Việt Nam nhóm công tác đề xuất, trước tiên, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo cơ sở vật chất nền tảng kỹ thuật số cho băng thông dữ liệu lớn, cả về mặt bao phủ của mạng lưới và tốc độ truyền dữ liệu tại các vùng nông thôn, được hoàn tất.
Hai là, Việt Nam cần các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hướng tới việc thiếu hụt đầu tư trong nông nghiệp, đặc biệt tại những giai đoạn giá sản phẩm xuống thấp. Theo đó, nông nghiệp cần một chính sách bao gồm cả các biện pháp mới và thiết thực hơn, cơ cấu để thúc đẩy khả năng đầu tư của nông dân vào các công nghệ sáng tạo và các thiết bị đã chứng minh hiệu quả đối với cả môi trường lẫn xã hội.
Cùng lúc, “người chơi” cũng cần cố gắng tạo ra một môi trường cạnh tranh, thúc đẩy sáng tạo, giúp cho việc truyền tải dữ liệu, và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh ở mọi cấp độ. Nền nông nghiệp cần các tiêu chuẩn giao tiếp và giao diện hỗ trợ cho giao tiếp chiều dọc và chiều ngang, như: cho phép sự trao đổi dữ liệu giữa máy móc, đối tác, cũng như các cổng và nền tảng dữ liệu.
Ba là, các nông dân cần phải sẵn sàng đối mặt với cuộc cách mạng số đang đến gần. Điều quan trọng là phải đảm bảo các kỹ năng số cho nông dân được trang bị đầy đủ và sự cởi mở về nhận tức về các cơ hội kinh doanh mới và các hình mẫu mới đi cùng với cuộc cách mạng này.
Cụ thể, với việc các nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khả năng thu thập dữ liệu về cách thức mà một hạt ngũ cốc được trồng hoặc một con vật nuôi được giết mổ đang trở thành một tài sản vô giá, đặc biệt là nếu Việt Nam muốn trở nên cạnh tranh hơn trên đấu trường quốc tế và trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo nhóm công tác, điều này sẽ giúp các nông dân cung cấp các sản phẩm chất lượng cao đặc biệt, truy xuất được từ nguồn, và có thể cho phép các siêu thị có thể cung cấp các lựa chọn tốt hơn cho người tiêu dùng. Cùng lúc đó, việc số hóa dữ liệu có thể giải thoát gánh nặng về hành chính cho nông dân đối với việc tuân thủ luật lệ và quy định.
Trong đó, quan trọng nhất là người nông dân cần phải được đảm bảo về tính bảo mật, tính sở hữu và quyền kiểm soát dữ liệu của họ. Nguyên tắc dữ liệu được tạo ra trên một trang trại thuộc quyền sở hữu của nông dân cần phải được phản ánh đầy đủ trong luật hợp đồng.
Đến nay Việt Nam chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh. Trên thực tế, ngày càng nhiều dữ liệu của các nông trại sẽ được đẩy lên các nền tảng dữ liệu đám mây, phục vụ cho việc xử lý, phân tích dữ liệu và truyền tải thông tin. Người nông dân phải có quyền được quyết định quyền truy cập dữ liệu và những dữ liệu nào được gửi cho đối tác nào, bảo đảm quyền sở hữu của dữ liệu. Đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 với thời gian ngắn trong tương lai.