Bài toán nan giải về hàng triệu tấn bã thải thạch cao phospho từ NM DAP – Đình Vũ đang dần có lời giải khi Hải Phòng tiên phong ứng dụng công nghệ biến chất thải thành tài nguyên giá trị.
Theo đánh giá, hoạt động của Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát – Đình Vũ (DAP) với công suất 330.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư 156,4 triệu USD (đã hoạt động từ năm 2009), hàng năm đã thải ra lượng bã GYPS (bã thải thạch cao phát thải do quá trình sản xuất phân bón, hóa chất) khoảng 750.000 tấn.
Gỡ "núi" thải
Hiện cũng đã có một số dự án sản xuất thạch cao sử dụng nguyên liệu từ bã GYPS nêu trên, như Dự án chế biến bã thải thạch cao, các sản phẩm từ thạch cao của Công ty CP Thạch cao Đình Vũ.
Đến nay, lượng chất thải GYPS đã được xử lý, tiêu thụ một phần, chủ yếu là lượng chất thải phát sinh hằng ngày, chưa xử lý được bãi thải tồn đọng (khoảng 3,5 triệu tấn). Việc xử lý hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, bao gồm cả việc chưa có những tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật để ứng dụng các sản phẩm làm vật liệu xây dựng và ứng dụng vào các công trình xây dựng.
Mới đây, UBND TP Hải Phòng và Sở Khoa học Công nghệ TP Hải Phòng đã chủ động giao cho Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Công ty cổ phần DAP Vinachem và Công ty cổ phần Định Vũ Xanh phối hợp triển khai dự án sản xuất thử nghiệm đầy hứa hẹn: “Hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải GYPS của Nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng”.
Điểm sáng của dự án nằm ở việc ứng dụng công nghệ xử lý hiện đại, tập trung loại bỏ các tạp chất nguy hại. Đồng thời tận dụng triệt để thành phần chính là CaSO₄ trong bã GYPS, đây là nguyên liệu quý giá để sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu nền móng cho hạ tầng giao thông và vật liệu san lấp – những lĩnh vực đang có nhu cầu rất lớn tại Việt Nam.
Dự án không chỉ mang ý nghĩa sống còn về mặt môi trường mà còn hứa hẹn tạo ra bước đột phá về kinh tế. Việc biến một loại chất thải "đau đầu" thành nguồn nguyên liệu đầu vào giá trị cao cho ngành xây dựng và giao thông chính là hiện thực hóa tinh thần cốt lõi của kinh tế tuần hoàn là tái sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và hệ thống quản lý chất thải quốc gia.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Thị Hồng - Phó Viện trưởng, Viện Vật liệu xây dựng, chủ nhiệm dự án cho biết, công nghệ xử lý bã thải GYPS mà Viện Vật liệu xây dựng là một bước tiến quan trọng trong việc tái chế và sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả. Với việc áp dụng công nghệ trộn khô, chúng tôi có thể chuyển các tạp chất có hại trong bã thải như axit, florua và các kim loại nặng thành các khoáng chất không tan hoặc ít tan vào môi trường, đặc biệt sản phẩm phụ gia cho xi măng có hoạt tính tốt với thành phần xi măng. Các sản phẩm san lấp và làm nền đường giao thông được tạo hạt không gây bụi mịn trong quá trình thi công tại công trường.
Đáng chú ý, Công ty CP DAP - Vinachem (đơn vị chủ quản Nhà máy DAP Đình Vũ) và Công ty CP Định Vũ Xanh đã thể hiện vai trò đối ứng tích cực, đồng hành chặt chẽ trong quá trình triển khai dự án. Không chỉ cung cấp hiện trường và dữ liệu thực tế, hai doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư nguồn lực, máy móc, thiết bị và kinh phí hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm và lắp đặt hệ thống dây chuyền thiết bị tự động hóa đồng bộ với công suất xử lý ấn tượng 30 tấn bã thải thạch cao/giờ. Đây được xem là bước chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy của doanh nghiệp sản xuất, từ việc thụ động đối phó với chất thải sang chủ động đầu tư cho tái chế, hướng tới một chu trình sản xuất khép kín và bền vững.
Kết quả nghiên cứu của dự án đã chứng minh những lợi ích thiết thực đối với môi trường, bao gồm giảm đáng kể diện tích bãi thải (ước tính 48ha), giảm lượng nước rỉ chứa flo, kim loại nặng và axit có nguy cơ thẩm thấu vào nguồn nước ngầm, đồng thời giảm thiểu phát tán bụi ra môi trường. Đặc biệt, công nghệ xử lý bã GYPS được áp dụng là công nghệ trộn khô tạo hạt, hoàn toàn không phát sinh sản phẩm thứ cấp gây ô nhiễm. Các sản phẩm sau xử lý đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định, đảm bảo an toàn theo QCVN07:2009/BTNMT và QCVN 40:2021/BTNMT, và được chứng nhận là vật liệu có hoạt độ phóng xạ tự nhiên ở mức an toàn (I<1).
Xử lý càng sớm càng tốt
Thực tế, nhiều năm qua cho thấy Hải Phòng đang phải đối mặt với áp lực môi trường ngày càng gia tăng từ lượng bã thải thạch cao phospho khổng lồ của Nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ. Trong khi đó, loại chất thải này chứa đựng nhiều tạp chất độc hại như axit, fluor, kim loại nặng... tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm lâu dài và khó khắc phục nếu không được xử lý đúng quy trình.
Đến nay, con số này đã vượt quá 4 triệu tấn và không ngừng tăng lên, đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng đất, nước, không khí và cuộc sống của cộng đồng dân cư xung quanh. Trong bối cảnh quỹ đất chôn lấp ngày càng hạn hẹp, chi phí bảo quản, xử lý ngày càng đội lên, bài toán xử lý bã thải GYPS trở thành một thách thức cấp bách đối với chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Việc xử lý bã thải GYPS của Nhà máy phân bón DAP – Đình Vũ ngày càng trở nên cấp thiết.
Trong hành trình kiến tạo Hải Phòng trở thành đô thị xanh, sạch, hiện đại và phát triển bền vững, mọi sự trì hoãn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và triển khai công nghệ xử lý chất thải sẽ đi ngược lại mục tiêu chung. Chính quyền thành phố cần hành động quyết liệt, chủ động rà soát, tối ưu hóa các thủ tục hành chính và thiết lập một khung pháp lý thông thoáng để thúc đẩy nhanh chóng việc xây dựng nhà máy xử lý GYPS quy mô lớn.
Chỉ có nhanh chóng xử lý và tái chế triệt để lượng bã thải GYPS tồn đọng, Hải Phòng mới có thể giải quyết dứt điểm vấn đề môi trường bức xúc kéo dài, đồng thời đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các cam kết quốc gia và quốc tế về phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Sự chung tay của chính quyền TP Hải Phòng với các đơn vị liên quan trong việc xử lý bã thải GYPS không chỉ khơi thông "điểm nghẽn" môi trường của thành phố mà còn kiến tạo một hình mẫu đột phá về kinh tế tuần hoàn cấp đô thị - nơi chất thải được chuyển hóa thành nguồn lực, góp phần xây dựng một thành phố cảng xanh, thịnh vượng và bền vững.
Không riêng gì Nhà máy DAP - Đình Vũ, các nhà máy DAP 2, DAP Đức Giang đều có cho riêng mình một núi chất thải. Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), lượng bã thải GYPS ở Việt Nam ước tính tồn đọng khoảng 12,7 triệu tấn tính đến cuối năm 2022. Nhà máy DAP Đình Vũ (Công ty CP DAP - Vinachem) tồn đọng khoảng 4,1 triệu tấn, Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang (Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang) là 6 triệu tấn và Nhà máy sản xuất phân bón DAP Lào Cai (Công ty CP DAP số 2 - Vinachem) tại Lào Cai là 2,6 triệu tấn.
Nếu dự án tại Hải Phòng chứng minh được tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường, nó sẽ tạo ra một tiền lệ quan trọng và cung cấp một mô hình có thể nhân rộng trên toàn quốc.