Khả năng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới, cùng với đó là đồng đô la Mỹ điều chỉnh giảm. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho những TTCK mới nổi bao gồm cả Việt Nam.
>>Vàng vẫn bị "đè nén" bởi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ
Nhìn vào sự tương quan giữa thị trường chứng khoán (TTCK) và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm sẽ thấy, có một số thời điểm hai biến số này trái chiều nhau. Nghĩa là lợi suất trái phiếu tăng còn TTCK Mỹ giảm và ngược lại.
Trong khoảng 2-3 tháng vừa qua, kinh tế bị suy yếu, lạm phát tăng mạnh, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng tăng trong khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết suy yếu khiến TTCK điều chỉnh.
Về mặt lý thuyết, khi trái phiếu Chính phủ tăng thì doanh nghiệp hoạt động cũng khó khăn hơn do chi phí đi vay của họ sẽ tăng. Lãi suất trái phiếu Chính phủ là lãi suất tham chiếu của rất nhiều khoản vay cho các doanh nghiệp Mỹ, cũng như định giá các tài sản tài chính, trên TTCK thì tỷ lệ chiết khấu cũng có chứa yếu tố này.
Chính vì điều này nên ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đang quan tâm nhiều đến chính sách tiền tệ và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu chúng ta đánh giá kỹ về trái phiếu Chính phủ Mỹ, thì có thể đánh giá được xu hướng của TTCK Mỹ trong thời gian tới.
Nhìn vào thị trường, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã có một giai đoạn tăng rất mạnh xấp xỉ 5% và TTCK Mỹ cũng có một nhịp điều chỉnh. Nguyên nhân đến từ: Thứ nhất, Fed đã có một nhịp tăng lãi suất rất mạnh kể từ cuối quý 1/2022 cho đến hiện tại và đẩy lãi suất Fed Funds Rate lên cao nhất trong nhiều thập kỷ. Lãi suất này có tương quan nhất định với lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Ngoài ra còn một câu chuyện đáng chú ý là kể từ thời điểm tháng 3/2022, Fed đã bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán.
Những tài sản như trái phiếu Chính phủ Mỹ hay một số tài sản tài chính đã được Fed bán ra để giảm quy mô bảng cân đối theo gói thắt chặt định lượng. Điều này làm cho nguồn cung trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh trên thị trường thứ cấp, khi đó theo quy luật cung cầu giá trái phiếu giảm đồng nghĩa với việc lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng.
Thứ hai, tháng 5/2023 Chính phủ Mỹ đã chạm trần nợ công nhưng sau đó đã thông qua việc nới trần nợ công. Bộ Tài chính Mỹ đã phát hành một lượng lớn trái phiếu Chính phủ để bù đắp cho thâm hụt ngân sách, dẫn đến một lượng lớn trái phiếu cung ra thị trường. Việc nguồn cung tăng từ hai nguồn này đã khiến cho giá trái phiếu giảm và lãi suất trái phiếu tăng.
Thứ ba, là việc Trung Quốc giảm 40% lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ trong một nỗ lực để ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Không chỉ Trung Quốc, một loạt các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc,... trong thời gian gần đây cũng có xu hướng bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ.
Như vậy, nguồn cung đã gia tăng rất mạnh từ Fed, Bộ Tài chính Mỹ và một số chính phủ ở châu Á, khiến cho lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao.
>>4 yếu tố rủi ro trên thị trường chứng khoán tháng 11/2023
Về tác động tới Việt Nam, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là đại diện cho mặt bằng lãi suất của kinh tế Mỹ, khi lợi suất này tăng cao thì các lãi suất khác cũng ở mức cao, khiến cho dòng tiền có xu hướng quay trở về Mỹ và rời bỏ các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.
Một vấn đề nữa đó là tỷ giá, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng, thì đồng đô la Mỹ đại diện bằng DXY sẽ có xu hướng tăng. Hai yếu tố này thường có xu hướng tương quan cùng chiều với nhau và khi đó áp lực tỷ giá xuất hiện, khiến TTCK lo ngại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải bán ra dự trữ ngoại hối, hoặc tăng dự trữ VND lên bằng cách tăng lãi suất, khiến thị trường điều chỉnh.
Về dự báo trong thời gian tới, có thể thấy lạm phát lõi của Mỹ đã có xu hướng giảm rất ổn định và hiện đang ở mức 4%, còn lạm phát tổng có xu hướng giảm còn 3,2%. Thị trường đánh giá đây là mức giảm có thể giúp Fed yên tâm với nền lãi suất hiện tại và không tăng lãi suất thêm một lần nào nữa, đồng thời thị trường cũng đẩy dự báo thời điểm Fed sẽ hạ lãi suất sớm hơn so với kỳ vọng trước đó.
Cùng với đó, thị trường lao động đang có xu hướng hạ nhiệt. Tỷ lệ thất nghiệp đã tạo đáy khoảng 3,3% ở quý 1, quý 2/2023 và hiện đã tăng lên 3,9%. Trong quá khứ, có rất nhiều thời điểm khi tỉ lệ thất nghiệp đã tăng thì tăng rất nhanh, khó có thể kìm hãm lại được. Vì vậy ngay cả khi mới tăng từ 3,3% lên 3,9% đã là tín hiệu khiến Fed phải để ý trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao sẽ phản ánh rằng, nền kinh tế Mỹ có thể sắp bước vào một cuộc suy thoái và việc hạ lãi suất cần được đẩy sớm.
Khả năng cao, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới, tôi đánh giá đi chung với đó sẽ là đồng đô la Mỹ điều chỉnh giảm. Đây là yếu tố hỗ trợ cho những TTCK mới nổi bao gồm cả Việt Nam. Áp lực tỷ giá, áp lực rút ròng vốn ngoại sẽ giảm rất nhiều so với thời điểm cách đây 1-2 tháng.
Ở Việt Nam, NHNN luôn luôn có mong muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm lãi suất ở mức càng thấp càng tốt, nhưng mục tiêu hàng đầu của NHNN không phải là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, mà phải ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách kiểm soát lạm phát và tỷ giá.
Tới đây, nếu lạm phát kiểm soát tốt, áp lực tỷ giá hạ nhiệt, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng NHNN sẽ có những chính sách mang tính hỗ trợ hơn, cởi mở hơn mà không quá lo ngại về vấn đề ổn định vĩ mô. Khi đó mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đều có xu hướng giảm, tăng trưởng tín dụng tăng cao, là một trong những yếu tố tiên quyết để TTCK Việt Nam có thể bùng nổ. Đó cũng chính là yếu tố tạo kỳ vọng rất lớn cho thị trường ở thời điểm hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 13/05/2023
14:30, 05/10/2022
15:23, 05/08/2022
06:00, 21/03/2021